Theo dõi trên

Hàm Thuận Nam, “đất đã hóa tâm hồn”

16/06/2023, 09:01

Trong một buổi chiều, tôi nhận được hai tin nhắn từ hai người khác nhau nhưng cùng một nội dung. Đó là anh Thái Sơn Ngọc, một người anh quen từ những ngày đầu tôi đổi về dạy học ở Hàm Thuận Nam, anh Ngọc lúc bấy giờ làm phóng viên báo Thuận Hải thường trú tại huyện mới.

Và đó là trung tá Nguyễn Huy Toàn - Phó Trưởng phòng Công tác chính trị Công an tỉnh. Cả hai đều gửi tôi hình bìa của đặc san Hàm Thuận Nam số Xuân Nhâm Thân - 1992 và hình chụp lại trang truyện ngắn “Vàng” và trang thơ của tôi. Đây là số đặc san mà anh em chúng tôi đều góp công sức: Tôi góp bài và chụp hình bìa 1, anh Huy Toàn trình bày và cả chụp hình, anh Thái Sơn Ngọc viết bài, tham gia chọn bài, biên tập cùng anh Nguyễn Ngọc Chỉnh - Trưởng phòng Văn hóa thông tin, (sau này anh Chỉnh làm Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh). Cứ ngỡ câu chuyện văn nghệ ấm áp này dừng lại ở đó, không ngờ nó làm tôi cứ thao thức trắng đêm, nó đã chạm đến một vùng ký ức chứa nhiều cung bậc cảm xúc đặc biệt của tôi vào những ngày đầu huyện Hàm Thuận Nam mới được thành lập với bao khổ nhọc nhưng đầy nhiệt huyết của thời tuổi trẻ.

dsc_0623.jpg

Huyện Hàm Thuận Nam có Quyết định thành lập của Hội đồng Bộ trưởng từ tháng 12/1982 nhưng mãi đến tháng 6/1983 huyện mới đi vào hoạt động chính thức. Lúc bấy giờ chú Lê Văn Long (Hàm Mỹ) giữ chức Bí thư kiêm luôn Chủ tịch huyện, chú Nguyễn Văn A (nhà ở Km 26, Hàm Minh) làm Phó Bí thư trực Đảng, anh Nguyễn Minh Nhật (Tân Thành) giữ chức Chánh Văn phòng.

Cả huyện Hàm Thuận Nam mới lập có 9 xã (3 xã tách từ Hàm Tân là Tân Thành, Tân Thuận, Tân Lập, 6 xã tách từ Hàm Thuận là Hàm Mỹ, Hàm Kiệm, Hàm Minh, Hàm Thạnh, Hàm Cần, Mỹ Thạnh) chỗ nào cũng khó khăn chồng chất, dân cư lúc ấy thưa thớt. Tân Thành thì khỏi nói, trống huơ trống hoắc, phần nhiều dân về lại làng cũ tập trung ở Văn Kê. Chỉ khổ khâu đi về huyện mua gạo và nhu yếu phẩm xa xôi quá chứ đời sống thì không đến nổi, biển Tân Thành thời bấy giờ cá còn nhiều lắm, rau ráng trên vùng đất mới tốt tươi, tiêu chuẩn gạo của tôi mỗi tháng 16 kg, có tháng quy chuyển một phần gạo thành mì độn hoặc bo bo thì cũng không lo gì thiếu thốn. Đường đi Tân Thành lúc ấy là đường đắp đất, có vài đoạn phối sỏi đỏ, riêng đoạn Cầu Xéo - Dốc Dầu và đoạn từ cuối Văn Kê ra tận biển chỉ là đất cát. Tôi còn nhớ hồi ấy, mỗi lần đi bộ cùng các cô giáo qua Dốc Dầu thế nào các cô cũng bị mấy anh chàng ngồi trên lưng trâu chọc ghẹo: Dù em có đẹp trăm bề/ Em đi đất cát cũng xề… cái… Chỉ vậy thôi, không hiểu sao lúc ấy các cô sợ lắm, mặt cứ rựng đỏ lên...

Tôi xin ở nhờ nhà người bà con là cậu Bình Mãi để đi dạy, cuối tuần lại về nhà má ở Tân Hải. Dạy được hết năm học thì nhận quyết định về làm Hiệu phó trường kinh tế mới Suối Nhum.

Ông Điểm trưởng Ké (Nguyễn Khải) đón tôi từ ngã ba Cây Dầu Ba giữa rừng để đưa về Suối Nhum. Tôi vác theo chiếc xe đạp trên suốt chặng đường rừng cát lún với hy vọng có đoạn nào đất cứng chạy cho đỡ mỏi nhưng cuối cùng chỉ là… người vác xe. Ông Ké và dân làng làm thịt một con bê nhỏ mời chúng tôi, những giáo viên mới, gọi là bữa ăn đầu tiên. Chân tình. Quý trọng. Đó những gì tôi cảm nhận được khi đến ngôi trường mới.

Trường Suối Nhum tọa lạc trên đỉnh đồi trung tâm điểm dân cư, gọi là Đội Hai. Chính những buổi chiều đầy gió ở đây, tôi đã bắt đầu có những hiểu biết đầu tiên về vùng căn cứ kháng chiến này. Sau năm 1975, xã Kim Bình tiếp nhận một số lớn dân di cư từ đảo Phú Quý vào hình thành nên khu kinh tế mới Suối Nhum trực thuộc xã Tân Thành (xã Thuận Quý mãi đến năm 1986 mới chính thức được thành lập. Xã được chia thành 3 thôn: Thuận Minh, Thuận Thành và Thuận Cường thay vì 8 đội như trước đó). Hội đồng sư phạm trường khá đông, thời gian đầu, thầy Thái Bá Thanh hiệu trưởng, sau thầy rút về Tân Thành thì bàn giao lại tôi, từ hiệu phó chuyên môn lên hiệu trưởng, các cô giáo đa phần người Hà Tĩnh, Nghệ An. Học trò Suối Nhum rất ngoan, chăm học và quý trọng thầy cô lắm, giờ đây, hơn ba mươi năm mà các em vẫn ghé thăm tôi mỗi dịp tết nhà giáo 20/11. Công tác ở đây được 4 năm học thì tôi nhận quyết định về làm hiệu phó trường Tân Lập 1 thay cô Nguyễn Thị Miên. Chú Nguyễn Tụ, chủ nhiệm HTX 5 làm bản kiến nghị trình lên xã xin cấp cho tôi mảnh đất phía sau trường để cất nhà ở. Chủ tịch Nguyễn Văn Công vui vẻ ký ngay, ông nói ngắn gọn: “Mong thầy yên tâm công tác!”. Tân Lập là khu vực dự kiến sẽ thành huyện lỵ nhưng chưa đủ chuẩn (đến ngày 15/6/1999, thị trấn Thuận Nam mới được thành lập tách phần từ Dốc Miếu ra đến giáp Hàm Minh). Đây là một vùng đất không có dân bản xứ, là dân di cư từ nhiều vùng miền trên cả nước, nhiều nhất là dân Quảng Ngãi.

Về giáo dục, đầu tiên hình thành một vài lớp học bậc tiểu học được mở ở các xứ đạo Hiệp Đức, Hòa Vinh. Đa số con em sống ở địa phương đều không có điều kiện để đến trường. Sau giải phóng, năm 1976, Trường cấp I Phù Đổng, Trường cấp I Hòa Vinh mới được thành lập dựa trên cơ sở những lớp học xóa mù chữ của các ma - sơ ở nhà thờ. Đến thời thầy Huỳnh Như Hoàng, thầy Nguyễn Văn Sáng, “trường ra trường, lớp ra lớp”, mới có quyết định Hiệu trưởng chính thức.

Về đây, những thông tin đầu tiên nghe được về một vùng đất “không hiền”, một “xã điển hình tiên tiến về củng cố bảo vệ chính quyền cách mạng khu vực các tỉnh miền Trung” này khiến tôi mãi rùng mình. Đó là những chuyện vào năm 1977, nhóm nổi dậy Ngô Khôn Hớn, Nguyễn Đình Truyền, Nguyễn Văn Thế vào lúc nửa đêm bao vây Ủy ban nhân dân xã, tước súng, khống chế toàn bộ lực lượng du kích trực, bắn chết Chủ tịch xã Cao Văn Long, bắn bị thương Phó Chủ tịch Bùi Cung. Năm 1978, nhóm nổi loạn ở Hòa Vinh bắn chết Thôn trưởng Phan Thúc Định… Là nghe chuyện quá khứ và sợ vậy thôi nhưng đến khi tôi về đây dạy thì tình hình chung đã ổn định. Đến giai đoạn sau thành lập thị trấn, ý thức người dân đối với tầm quan trọng của việc học tập được nâng cao rõ rệt, các cơ sở hạ tầng cũng liên tiếp được xây mới, nâng cấp. Hội đồng sư phạm của trường chúng tôi lúc đó lên đến 23 thầy cô giáo, thầy Huỳnh Phương hiệu trưởng, tôi hiệu phó, đến năm sau thì thầy Phương đổi đi tôi lên thay.

Giai đoạn này, tôi còn ám ảnh mãi hình ảnh những cô giáo dạy phân hiệu Hòa Vinh bị nước lụt đột ngột ập đến không chạy kịp. Khi tôi bơi được đến khu nhà tập thể giáo viên thì nước ngoài sân trường đã dâng lút đầu người. Bên trong nhà tập thể, bốn cô giáo áo quần ướt chèm nhẹp đang ngồi ôm nhau khóc trên ba tầng bàn ghế học sinh xếp chồng lên, tứ bề nước đục ngầu vẫn đang tiếp tục cuộn dâng. Tôi phải vội vàng vừa bơi vừa kéo bàn ghế tắp thêm cho khối bàn ghế kia khỏi ngã và sau đó hú gọi cầu cứu thêm một phụ huynh học sinh tên Hội nhà sau trường. Anh Hội là một thợ mộc khỏe mạnh lại có kinh nghiệm chống lũ ở đây nên chúng tôi bớt lo lắng ngồi đợi cho đến khi nước rút. Sau trận lụt kinh hoàng đó, hầu hết sổ điểm và sách vở, giấy tờ trong tủ nhà trường đều ướt nhũn hư hết, phơi vớt lại một số, còn lại phải lên phòng giáo dục xin sổ mới và làm lại…

Phân hiệu trường thôn 3 tuy vẫn còn lợp tranh nhưng số học sinh và các lớp học tương đối ổn định. Chỉ phiền là trường tọa lạc nơi khu đông dân cư, mỗi khi có đội chiếu bóng lưu động về phục vụ bà con là hôm sau thầy trò “được” một bữa dọn rác đuối đừ.

Cây thanh long không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn biến vùng đất này nhanh chóng trở nên giàu có. Cơ sở hạ tầng cả huyện được xây dựng khang trang, trong đó có trường chúng tôi. Lúc này, việc dạy và học ở trường khá bài bản, đã bắt đầu đi sâu vào chất lượng, đời sống thầy cô giáo cũng khá lên nhờ chủ trương xóa bao cấp...

Năm 2009, sau khi đạt nhiều giải thưởng văn chương liên tiếp, tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng nhờ công việc viết lịch sử đảng bộ cho các xã trong huyện mà tôi có mặt thường xuyên “trên từng cây số”, từ miền núi Hàm Cần, Mỹ Thạnh đến Mương Mán, Hàm Kiệm, Hàm Cường, Hàm Minh, thị trấn Thuận Nam... Vừa tra cứu, hỏi han, ghi chép nắm bắt thông tin qua nhiều thời kỳ để viết lịch sử, đồng thời đó cũng là những “chuyến đi thực tế”, thâm nhập đời sống để viết văn, viết báo của tôi. Một công đôi ba bốn chuyện nhưng cái được lớn nhất là tôi hiểu thêm nhiều về con người Hàm Thuận Nam cần cù và tốt bụng. Đằng sau những quê mùa, thô mộc ấy là những tâm hồn bao dung, rộng lượng, vị tha. Biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ, quyến luyến, “tình thương mến thương” của các chú, các anh, các em đối với tôi ở mỗi vùng đất tôi đặt chân đến! Biết bao nhiêu tấm lòng, bao nhiêu nghĩa cử cao đẹp trong hoàn cảnh ngặt nghèo đã khiến tâm hồn tôi rưng rưng cảm động! Biết bao nhiêu điều tôi học được từ những giản dị mộc mạc đời sống của người nông dân trên mảnh đất khô cằn nắng gió này!

Thắm thoát mà đã gần bốn mươi năm tôi gắn bó với Hàm Thuận Nam, đầy ắp một vùng ký ức thương thuộc, rất nhiều, rất nhiều những tình người, tình đời tôi đã sống cùng, đã chia sẻ, tôi đã tái hiện chân thật trong tác phẩm văn chương của mình. Chợt thấm thía biết bao hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!”.

NGUYỄN HIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Gương sáng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Gương mẫu, trách nhiệm, nhiệt tình với công việc là những gì tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Thân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Nam, “đất đã hóa tâm hồn”