Bể nước của hệ thống sạch Mỹ Thạnh. |
Chị Lê Thị Minh Huệ, một phụ nữ Raglay, cho hay: Trước đây, cứ đến đầu mùa khô thì núi rừng quanh Mỹ Thạnh đều khô khốc và kèm theo đó là tình trạng người dân thiếu nước dùng trong nhiều ngày, lắm khi kéo dài cả tháng. Đồng bào cứ phải gùi ống bương đi ngược lên núi, ngược nguồn sông Bà Bích tìm nước. Tất cả con suối lớn nhỏ trong vùng, dầu cạn đến đáy, cũng được người dân đào, xới tìm nước, dù chỉ là một mạch nước nhỏ. Có chuyện kể rằng khi một người tìm thấy nước thì đều gọi người trong nhà đi giữ nước vì sợ người khác vét nước hết đi.
Thế nhưng, từ năm 2010 chuyện đã khác đi. Đó là khi huyện Hàm Thuận Nam quyết tâm giúp người dân vùng sâu Mỹ Thạnh thoát khỏi nỗi lo về nước sạch, nước sinh hoạt trong mùa khô. Trạm nước sạch được xây dựng sau đó có chiều dài đường ống 6.320 m, lấy nước của 7 giếng ngầm, đưa về cung cấp nước cho dân với công suất 150 m3/ngày... Bác sĩ Nguyễn Văn Lèo (Trưởng Trạm y tế xã Mỹ Thạnh trước đây) cho hay: “Toàn Mỹ Thạnh có 227 hộ dân (872 người). Hiện nay nhu cầu dùng nước khoảng 70 - 80 m3/ngày. Hồi chưa có trạm cấp nước sạch thì cứ 120 lượt người đến khám tại trạm xá thì có 30 trường hợp bị bệnh đường tiêu hóa. Nghĩa là, cứ 4 người thì có 1 trường hợp bị tiêu chảy”. Nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Từ ngày có nước sạch, số người bị bệnh đường ruột, da liễu giảm đáng kể. 1 - 2 tháng, mới xảy ra 1 hoặc 2 trường hợp bị tiêu chảy, 3 - 4 tháng mới xuất hiện 1 trường hợp bị nấm ngoài da. Anh Nguyễn Duy Ninh, Tổ trưởng Trạm cấp nước sạch Mỹ Thạnh, cho hay: “Cô không biết đâu, khi nước máy về tới tận nhà, bà con mừng húm! Nước về tận nhà, bà con vừa tiết kiệm thời gian đi lấy nước, vừa đảm bảo sức khỏe. Ở đây, gia đình nào cũng dùng nước hết sức tiết kiệm. Mỗi tháng mỗi gia đình chỉ mất khoảng 20.000 đồng tiền nước.
Nhu cầu chỉ có vậy, như để bảo đảm sức khỏe người dân trong xã, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, thường xuyên theo dõi kết quả xét nghiệm chất lượng nguồn nước tại Mỹ Thạnh. Trung tâm lập đội thi công để chủ động sửa chữa, khắc phục sự cố khi cần. Tôi tò mò hỏi tổ trưởng tổ cấp nước Nguyễn Duy Ninh: “7 giếng nước khai thác quanh năm, liệu có khi nào nước ngầm cạn đi? Nếu cạn thì khắc phục thế nào?”. Anh Ninh đáp: “Trước đây, Đoàn 705 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đến Mỹ Thạnh khoan thăm dò nguồn nước và đã tìm thấy 2 giếng ngầm có nguồn nước tốt. Khai thác khoảng 100 m3/ngày/2 giếng. Mùa khô 2015, sử dụng 2 giếng này hơn 1 tháng, nhưng lượng nước vẫn đảm bảo. 2 giếng này được đưa vào diện dự phòng”.
Còn ông Lý Hữu Phước – Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cho biết: Trên tinh thần hỗ trợ, tỉnh quy định giá nước sạch khu vực đồng bào thiểu số sinh sống thấp hơn so với đồng bằng. Mặt khác, người dân Mỹ Thạnh sử dụng nước tiết kiệm nên nhu cầu cũng ít không đáng lo. Hiện trung tâm đang liên hệ công ty điện lực để lắp điện kế, khi cần thì bơm nước từ 2 giếng khoan dự phòng, nếu như mùa khô kéo dài.
Trang Hiếu