Chú trọng bảo vệ trẻ em
Xác định tuyên truyền về bảo vệ trẻ em là một trong những công tác quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của nhân dân và của trẻ em về bảo vệ trẻ em. Đồng thời, trang bị những kiến thức đa dạng về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, an toàn thực phẩm cho trẻ em được triển khai với các hình thức đa dạng, phong phú để phù hợp với từng địa phương, vùng miền và từng nhóm đối tượng. Nửa đầu năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho trên 1.000 cán bộ làm công tác trẻ em cấp huyện, xã và cộng tác viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại thôn, bản, khu phố. Nội dung tập huấn xung quanh chương trình phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ; chăm sóc trẻ em tại cộng đồng và Nghị định 130 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và bảo vệ trẻ em.
Qua các lớp tập huấn đã nâng cao kiến thức và kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ làm công tác trẻ em các cấp và các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở ngày càng hiệu quả hơn, trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình, đồng thời giúp các em hiểu và thực hiện tốt hơn bổn phận của mình đối với gia đình, nhà trường và xã hội.
Cùng với đó là sự phối hợp ngày càng sâu sát giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, nhất là việc tiếp nhận, can thiệp và xử lý những vụ việc, những vấn đề nóng, bức xúc liên quan đến trẻ em. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 16 vụ - 16 trẻ em bị xâm hại tình dục (giảm 8 vụ, 9 trẻ em so với cùng kỳ năm 2021) được các ngành có liên quan và cơ quan chức năng phối hợp can thiệp, trợ giúp kịp thời.
Về phía Công an tỉnh, huyện đã phát hiện và xử lý 9 vụ - 25 trẻ em vi phạm pháp luật (giảm 24 vụ, 23 trẻ em vi phạm pháp luật so với cùng kỳ năm 2021). Nhằm hạn chế khả năng, điều kiện phát sinh tội phạm xâm hại trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật, công an các cấp thường xuyên gọi hỏi, răn đe các đối tượng nghi vấn lợi dụng, dụ dỗ lôi kéo trẻ em vi phạm pháp luật, tăng cường tuần tra tại các khu vực, phối hợp lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các điểm kinh doanh internet, văn hóa phẩm đồi trụy, yêu cầu viết cam kết không vi phạm. Trong tháng 6/2022 Công an tỉnh đã phối hợp với Công an thị xã La Gi ra mắt mô hình “Phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi” tại phường Tân Thiện, thị xã La Gi…
Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Mặc dù thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương luôn quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tích cực triển khai công tác bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, nhất là công tác bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cần hành động quyết liệt hơn để bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Trong đó, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại...
Đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình. Hướng dẫn gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại...