Theo dõi trên

Hành trình “đi để về”

16/09/2022, 05:35

Tôi gặp tiến sĩ Trần Ngọc Dũng tại Bảo tàng nước mắm “Làng Chài Xưa” của ông, số 360 đường Nguyễn Thông, thành phố Phan Thiết. Hành trình “đi để về”, cách làm sản phẩm văn hóa của một trí thức người Phan Thiết này đã làm tôi cảm động và nể phục.

Trên thế giới có nhiều bảo tàng độc lạ: Bảo tàng mì Ramen-Yokohama (Nhật), bảo tàng dây thép gai Kansas (Mỹ), bảo tàng trái cây (New Zealand), bảo tàng thỏ (Mỹ), bảo tàng dưới nước (Mexico)… nhưng bảo tàng nước mắm thì chỉ có ở Phan Thiết, Việt Nam, cho đến hiện tại. Ý tưởng độc đáo này được tiến sĩ Trần Ngọc Dũng ấp ủ từ những ngày ông đi học và làm việc ở nhiều nước, nhiều châu lục khác nhau.

bao-tang.jpg
Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa.

Cũng xin nói cho rõ hơn về con đường học tập và trưởng thành của tiến sĩ Trần Ngọc Dũng. Ông sinh ra và lớn lên trên quê hương Mũi Né, Phan Thiết. Năm 17 tuổi, ông đã bắt đầu hành trình đi học xa nhà, xa quê của mình. Năm 1997, ông tốt nghiệp Trường đại học Monash, Úc, ngành quản trị kinh doanh, sau đó về làm việc ở Việt Nam tại Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen của Mỹ. Năm 2006, ông tốt nghiệp thạc sĩ MBA Trường cao học về quản lý Pháp Việt CFVG, Việt Nam. Năm 2010, ông tốt nghiệp thạc sĩ Marketing Trường Lille 2, Pháp. Năm 2012, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ PhD Trường Paris Sorbonne, Pháp, đó là công trình nghiên cứu thị trường: “Xây dựng mô hình nghiên cứu tâm lý và văn hóa tiêu dùng tại các thị trường mới nổi”. Ngay sau đó, ông thành lập công ty, rồi chuyển nhượng và được mời làm việc cho Công ty nghiên cứu thị trường Intage, Công ty NCTT lớn nhất Nhật Bản tại Tokyo. Ông cũng là giảng viên thỉnh giảng ngành nghiên cứu thị trường và marketing tại Trường ĐH Kinh tế TP. HCM và Trường cao học quản lý Pháp Việt CFVG và Đại học Phan Thiết.

Có một thực tế luôn đau đáu trong tâm trí tiến sĩ Trần Ngọc Dũng đó là sự mất dần đi vị thế lẫn danh tiếng của nước mắm Phan Thiết trong dòng nước chấm công nghiệp ồ ạt, phong phú của kinh tế thị trường sau những năm tám mươi, thế kỷ XX. Lịch sử làm nước mắm của quê hương hơn 300 năm qua đã gắn bó với lịch sử phát triển, với văn hóa Phan Thiết, không thể nào mất trắng dễ dàng như vậy trong cuộc cạnh tranh khắc nghiệt giữa truyền thống và hiện đại! Từ ước mơ ấp ủ bấy lâu, ông nghiên cứu sâu thêm về sự tồn tại và duy trì phát triển của nghề truyền thống rượu vang ở Pháp, Ý, Úc, tìm hiểu về các mô hình “One village, one product” của Nhật và đã hiểu ra được một bài học đáng giá là phải truyền tải cho được câu chuyện đặc sắc về lịch sử hình thành nghề làm nước mắm, về tổ nghề, về những hàm hộ làm nên mặt bằng giàu có, về những nguyên liệu và công thức để tạo nên sản phẩm chất lượng nhất, điều làm nên thương hiệu lừng lẫy một thời: Nước mắm Phan Thiết. Ý tưởng Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa ra đời từ đó.

Nhưng từ ý tưởng triển khai thành hiện thực là một hành trình nan giải. Tiến sĩ Trần Ngọc Dũng tâm sự: Cái khó thứ nhất và cũng là khó nhất đó chính là những đánh đổi, thiệt thòi của bản thân. Về quê lập nghiệp tức chấp nhận làm lại từ đầu, tức chấp nhận chuyển nhượng lại công ty đang “ăn nên làm ra”. Về quê lập nghiệp tức là phiêu lưu cho một dự án văn hóa, tức là vì việc khôi phục thương hiệu nước mắm Phan Thiết mà phải chấp nhận sự đeo bám tỉ mỉ, cực nhọc để làm sao cân bằng hài hòa giữa việc truyền tải được bản sắc quê nhà và tính giải trí để phù hợp với du khách trong thời hiện đại. Về quê lập nghiệp trong thời điểm này có nghĩa là sẵn sàng đối mặt với thất bại, khó khăn… Biết vậy nhưng đây là dự án tâm huyết nhất mà mình muốn thực hiện.

Năm 2016, ông Dũng về quê đi ngắm nghía khắp nơi và quyết định chọn mua mảnh đất trên nền làng chài xưa và lấy ngay tên “Làng Chài Xưa” đặt tên cho bảo tàng nước mắm. (Mảnh đất có địa chỉ 360 - Nguyễn Thông).

Vì nước mắm của ta hiện nay có nguồn gốc từ hơn 300 năm trước, nghĩa là người Chăm học được nghề làm nước mắm từ người Ấn, người Kinh lại học từ người Chăm, vậy nên ông Dũng phải một mình lặn lội khắp nơi để sưu tầm các cổ vật liên quan, những chi tiết giao thoa văn hóa Chăm - Kinh và những câu chuyện về nghề làm nước mắm, những bước thăng trầm của các hàm hộ, những tôn vinh và cơ cực của một nghề truyền thống tạo nên thành phố biển Phan Thiết giàu có, thơ mộng ngày nay…

Đây là bước đầu quá khổ cực nhưng rồi với quyết tâm cao, bảo tàng cũng đã hình thành và ngày càng hoàn thiện với 14 không gian tương tác đưa du khách nhập vai ngược 300 năm về làng chài xưa, về làng nghề nước mắm, tiếp cận hiểu thêm đời sống diêm dân với nghề làm muối lâu đời, với những góc phục dựng công phu và với hàng ngàn cổ vật, hình ảnh giá trị. Ngoài ra, bảo tàng còn xây dựng thêm nhà hát Fisherman Show- Huyền thoại Làng Chài, là nơi tái hiện sự tích cá Ông và cuộc sống ngư phủ. Và để đáp ứng thêm nhu cầu của khách, cụm nhà hàng Mũi Né Xưa (Mui Ne Deli) cũng đã ra đời với những đầu bếp được tuyển lựa sẵn sàng phục vụ các món cơm niêu Việt, hải sản, lẩu thả và các món đặc sản quê nhà. Và tất nhiên không thể thiếu một shop đặc sản sạch mang tên Hello Muine. Ghé vào shop du khách có thể mua nước mắm tĩn nguyên chất, nước mắm Làng Chài Xưa công thức 300 năm trong bình gốm, các loại khô cá, tôm cao cấp, các loại thực phẩm, bánh kẹo, sản phẩm lưu niệm…

bao-tang-1.jpg
Thùng lều gỗ ủ cá làm nước mắm.

Đến với Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa ngày nay, tôi rất vui mừng khi tận mắt chứng kiến sự tái sinh của thương hiệu “Nước mắm tĩn”, loại nước mắm đã tạo nên huyền thoại theo những chiếc ghe bầu có mặt trên nhiều vùng đất Đông Nam Á. (Hình thức nước mắm tĩn được kiểm định độ đạm, vệ sinh và niêm kỹ xuất khẩu là bước ngoặt quan trọng phát triển từ cách làm ủ chượp nhỏ lẻ của người Chăm đến kỹ nghệ làm mắm quy mô trong thùng lều gỗ của người Kinh). Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa đã đi vào hoạt động ổn định, là một địa chỉ không thể thiếu trong các tour du lịch trong vùng và liên vùng. Tôi thật tâm cảm ơn tấm lòng của một người con yêu quê hương đến da diết như tiến sĩ Trần Ngọc Dũng. Và tôi cũng thật tâm mong muốn hành trình “đi để về” của ông, một trí thức quê Phan Thiết, tạo được sự lan tỏa tích cực, mạnh mẽ, không chỉ dừng lại việc lưu giữ, hình thành một sản phẩm du lịch mà còn là việc tạo ra những bài học về tình yêu quê hương cho các thế hệ trẻ sau này.

GHI CHÉP: NGUYỄN HIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tiếp tục gia hạn tuyển sinh Tiếng hát Học sinh – Sinh viên lần thứ I - 2022
Sở VHTT& DL vừa thông báo gia hạn tuyển sinh cuộc thi “Tiếng hát Học sinh-Sinh viên” tỉnh Bình Thuận lần thứ I năm 2022.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trình “đi để về”