Theo dõi trên

Hãy làm cho Bình Thuận sạch đẹp hơn

12/08/2022, 05:19

Tuần qua, Cô Tô (Quảng Ninh) trở thành huyện đảo đầu tiên ở Việt Nam cấm du khách (từ 1/9/2022) mang theo chai nhựa, túi ni lon… ra đảo.

images.jpg

Lý do: Mọi dịch vụ du lịch về ăn ở tại Cô Tô đã có đầy đủ, nhưng du khách vẫn “tay xách nách mang” chai nước, túi ni lon đựng đồ ăn ra đảo, khiến môi trường trên đảo bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì rác thải nhựa, đe dọa sự phát triển du lịch bền vững của hòn đảo xinh đẹp này. Tôi tin rằng những ai yêu mến Cô Tô đều ủng hộ biện pháp kiên quyết này. Và sẽ có thêm nhiều điểm đến khác học theo Cô Tô để kiểm soát rác thải nhựa.

Còn tỉnh Khánh Hòa cũng đang phải tìm giải pháp phục hồi các rạn san hô bị suy giảm tới mức báo động ở vịnh Nha Trang. Đây là công việc tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Hệ sinh thái biển ở vịnh Nha Trang đang chịu tác động lớn từ con người, áp lực lớn từ các hoạt động kinh tế (du lịch, khai thác thủy sản). Một số nhà khoa học đã đề nghị tỉnh Khánh Hòa tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển ở khu vực Hòn Mun…

Nhìn ra khu vực, nhiều nước đã mạnh tay hơn để cứu môi trường biển, cũng là cứu ngành du lịch của mình. Như Thái Lan đã phải đóng cửa khu du lịch vịnh Maya (vịnh Thiên đường) trong 3 năm, để phục hồi hệ sinh thái biển bị tổn hại nghiêm trọng do hoạt động du lịch gây ra. Hay Philippines cũng phải đóng cửa thiên đường du lịch Boracay gần 2 năm, để bảo tồn rạn san hô và làm sạch bãi biển ở hòn đảo này.

Việt Nam ta xếp thứ tư thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra biển. Ô nhiễm môi trường biển ở Việt Nam (trong đó có Bình Thuận) đã đến mức báo động. Rác trên bờ, rác dưới biển, rác do cộng đồng dân cư ven biển và tàu thuyền thải ra; rác do du khách và các cơ sở du lịch để lại. Đủ loại rác thải nhựa khó phân hủy như: túi ni lon, hộp xốp, chai nhựa, ly nhựa, ống hút nhựa… chưa được thu gom, xử lý đang đe dọa môi trường sinh thái biển và sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư và du khách còn thấp, luật pháp, chế tài xử phạt thì thực thi chưa nghiêm. Nhiều nơi người dân vẫn vô tư hàng ngày mang rác đổ ra biển, hay du khách thản nhiên vứt rác, thức ăn, đồ uống thừa bừa bãi trên bãi tắm… Thật xót xa khi thấy nhiều bãi biển đẹp ngập trắng rác thải nhựa, ô nhiễm nặng nề.

Bình Thuận đang gấp rút chuẩn bị đăng cai năm du lịch quốc gia 2023, đây là “cơ hội vàng” để thu hút khách và quảng bá một điểm đến “an toàn - thân thiện - hấp dẫn”. Hàng loạt công trình, dự án trọng điểm đang hối hả hoàn thiện. Có một việc “cần làm ngay”, không tốn nhiều tiền mà cần quyết tâm cao, đó là phát động không phải một mà liên tục nhiều chiến dịch ra quân làm cho Bình Thuận sạch đẹp hơn; huy động tổng lực các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, học sinh, sinh viên, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và du khách cùng tham gia làm sạch các bãi biển, điểm danh thắng khu dân cư, đường phố, nơi công cộng…

Theo truyền thống hiếu khách của người Việt thì luôn phải dọn dẹp nhà cửa sạch đẹp để đón khách.

ĐẶNG DŨNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Vì dân phục vụ
Cuối tháng 7 vừa qua, một trong những sự kiện được dư luận quan tâm, đó là việc Bộ Chính trị tổ chức quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) cho cán bộ chủ chốt trên toàn quốc. Trong đó có rất nhiều nội dung quan trọng mà Đảng, Chính phủ ta đã xác định lại, cũng như đặt ra các mục tiêu, giải pháp để đưa đất nước phát triển vươn lên tầm cao mới.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãy làm cho Bình Thuận sạch đẹp hơn