Trong lĩnh vực đánh bắt hải sản, nhân dân Bình Thuận nói chung và đặc biệt dân chài vùng biển nói riêng thường truyền nhau câu nói trong dân gian: “Tháng ba, bà già đi biển”. Đi biển tháng ba (âm lịch) là “nhất”, “đỉnh của đỉnh”, bạn không sợ say sóng bởi biển trong xanh êm ả đến lạ kỳ, mà bạn còn được thong dong ngắm nhìn biển trời bao la. Biển trong xanh đến nỗi ngồi trên boong tàu, bạn có thể tận mắt ngắm nhìn những rặng san hô và sinh vật biển... Bình Thuận là một trong những tỉnh có thế mạnh rất lớn trong việc phát triển ngành du lịch biển – đảo, có Cù Lao Câu (huyện Tuy Phong), Hòn Bà (thị xã La Gi), đặc biệt khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài nhắc đến huyện đảo Phú Quý, một trong những khu nghỉ dưỡng đẹp nhất biển Đông. Vì vậy, vào khoảng tháng ba âm lịch trong năm, khách du lịch tập trung về các đảo nghỉ dưỡng rất đông.
Như vậy với câu nói: “Tháng ba, bà già đi biển” được hiểu là: Đây là tháng có thời tiết thuận lợi và gió trên biển thổi nhẹ, ít sóng. Để làm rõ nội dung này, tôi trình bày một số kiến thức về góc độ địa lý cho giáo viên giảng dạy tham khảo cũng như người dân Bình Thuận hiểu hơn vì sao có câu tục ngữ truyền miệng trong dân gian như trên.
Khi nói về hiện tượng sóng nhẹ hay sóng mạnh trên biển đều liên quan tới từng cấp gió, giữa cấp gió và cấp sóng có mối quan hệ lẫn nhau vì nguyên nhân hình thành sóng biển là do tác động của gió, gió càng mạnh thì sóng càng lớn, hoặc ngược lại; ngoài ra sóng còn do tác động của các yếu tố tự nhiên khác (động đất, núi lửa, bão...). Như vậy vào tháng ba âm lịch, phần lớn các ngày trong tháng có: Gió nhẹ, không gây nguy hiểm (cấp gió 0 – 3) , độ cao sóng trung bình (0 - 0,6m).
Ở nước ta có 2 loại gió hoạt động chính là: Một gió tín phong bán cầu Bắc (còn gọi là gió mậu dịch): Xuất phát từ khối khí chí tuyến Tây Thái Bình Dương (Tm) là vùng áp cao thổi vào nước ta theo hướng đông bắc: Có tính chất khô nóng, độ ẩm thấp và hoạt động quanh năm. Tuy nhiên ở nước ta gió tín phong bán cầu Bắc bị gió mùa lấn át, chỉ mạnh lên khi gió mùa suy yếu và chỉ hoạt động xen kẽ với gió mùa trong năm. Vào mùa đông thì tạo ra các kiểu thời tiết khác nhau ở từng khu vực trên cả nước chủ yếu là hanh khô. Vào mùa hè thì sẽ gây mưa lớn trên cả nước (thời gian hoạt động mạnh)
Hai gió mùa thì được hoạt động theo mùa ở nước ta bao gồm gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ. Đây là hai loại gió hoạt động luân phiên trong năm. Gió mùa đông (gió mùa đông bắc) hoạt động từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Trong mùa này thời tiết, khí hậu nước ta có sự khác nhau rõ rệt (miền bắc đầu mùa đông se lạnh, khô hanh, cuối đông có mưa phùn ẩm ướt ). Gió mùa mùa hạ (gió mùa tây nam) từ tháng 5 đến tháng 10. Thời tiết mùa này là trời nóng ẩm, có mưa to, dông bão diễn ra phổ biến cả nước. Ngoài ra còn có các loại gió địa phương: Gió bấc, gió lào, gió nồm…
Tháng ba (âm lịch) tức là khoảng tháng tư dương lịch trong năm, thời điểm gió mùa đông bắc suy yếu, gió mùa Tây Nam chưa hoạt động nên hoàn toàn ảnh hưởng gió tín phong bán cầu Bắc từ rìa tây nam cao áp chí tuyến Tây Thái Bình Dương thổi vào theo hướng đông nam. Gió này thường gây ra thời tiết nồm, độ ẩm lớn, thời tiết ẩm không mưa cho vùng đồng bằng Bắc bộ. Trong khi đó vùng biển duyên hải Nam Trung bộ thời tiết nắng nóng, ít mưa, chỉ gió nhẹ, vùng biển ít bị biển động và kết hợp với sự gặp nhau của gió tín phong thổi từ hai bán cầu đã tạo thành những dòng đối lưu bốc lên cao (ở vùng cận xích đạo), chính vì vậy mà ở sát mặt đất gió hoạt động lại càng yếu hơn.
Vào những ngày này, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận có gió nhẹ và sóng tương đối êm rất thuận lợi cho khách du lịch đặc biệt là du lịch biển - đảo và ngư dân đánh bắt khơi xa. Nhưng chúng ta cũng chú ý trong tháng ba có một số ít ngày biển vẫn bị biến động do tình hình biến đổi khí hậu hiện nay sẽ ảnh hưởng đến thời tiết, và câu tục ngữ này cũng chỉ phù hợp ở khu vực biển duyên hải Nam Trung bộ. Trong khi đó ở vùng đồng bằng Bắc bộ và một số tỉnh Bắc Trung bộ thì thời tiết lại khác điển hình với câu tục ngữ “tháng giêng rét dài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân” (có nghĩa ở khu vực phía Bắc vẫn còn ảnh hưởng ít nhiều gió mùa đông bắc cuối mùa đông, đây là đợt rét cuối hay nói chung là cơn rét muộn, còn tên gọi rét nàng Bân chỉ là cách gọi mang tính chất cổ tích dân gian).