Theo dõi trên

Hộ đồng bào tham gia mô hình “Quản lý sâu keo mùa thu hại bắp”

06/11/2023, 05:50

Trong vụ hè thu 2023, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc) đã tham gia mô hình “Quản lý sâu keo mùa thu hại bắp” do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai. Từ một vùng sản xuất trước đây từng bị sâu keo gây hại nặng, mô hình đã giúp hộ đồng bào hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học, mà vẫn có thể tiêu diệt được nhiều sâu, nâng cao năng suất cây trồng.

Thực hiện vùng trước đây bị sâu keo gây hại nghiêm trọng

Trong vụ hè thu 2023 (từ tháng 6 - 9/2023), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (BVTV) đã thực hiện mô hình “Quản lý sâu keo mùa thu hại bắp” tại xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc) với quy mô 5.000 m2. Đây là mô hình được áp dụng đầu tiên trên địa bàn huyện trong vụ hè thu năm 2023, triển khai trên vùng trước đây bị sâu keo gây hại nghiêm trọng.

img_7778.jpg
Bắp bị sâu keo mùa thu gây hại nghiêm trọng.

Để thực hiện mô hình, ngay từ đầu vụ, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tiến hành chọn hộ tham gia thực hiện mô hình, tập huấn kỹ thuật cho nông dân và hỗ trợ các chi phí sản xuất vật tư thực hiện mô hình theo quy trình đã đề ra. Theo đó, hộ đồng bào tham gia thực hiện mô hình là ông Bờ Đam Rậm, thôn 1, xã La Dạ. Giống bắp thực hiện là NK7328 Bt/GT (10 kg/5.000 m2), kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp nông nghiệp.

img_7775.jpg
img_7777.jpg
Tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân tại điểm thực hiện mô hình.

Thông qua tập huấn, nông dân trong vùng và hộ dân trực tiếp tham gia mô hình được cung cấp những kiến thức, kỹ thuật cơ bản về thực hiện biện pháp dẫn dụ côn trùng bằng “Bẫy chua ngọt” góp phần nâng cao nhận thức, đa dạng các phương pháp phòng, tiêu diệt sâu keo gây hại bảo vệ mùa màng của người dân. Từ kết quả đạt được của mô hình, người dân sẽ chủ động áp dụng nhiều biện pháp kết hợp để giảm mật độ sâu keo gây hại trên từng vụ bắp. Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ Chi cục trồng trọt và BVTV trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật tại ruộng như cách chuẩn bị hủ bẫy, cắm cọc, bỏ bả vào bẫy, liều lượng châm thuốc... Ngoài ra, chủ mô hình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh trên bắp.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc – cán bộ theo dõi mô hình (Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh) cho biết: Quá trình thực hiện mô hình, hộ dân trực tiếp kiểm tra thực hiện, chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật thông qua các bước như ngắt ổ trứng; bẫy chua ngọt với số lượng bẫy chua ngọt 25 hủ bẫy/5.000 m2 (mật mía, giấm, rượu, nước, tỷ lệ 4:4:1:1); thuốc bảo vệ thực vật LufenExtra (Lufenuror + Emamectin benzoate). Giống NK7328 Bt/GT xử lý 2 lần, giai đoạn bắp mới gieo đến 5 lá, giai đoạn bắp 7 lá đến xoáy nõn…

img_7779.jpg
Côn trùng vào bẫy chua ngọt.

Giảm rõ rệt sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và BVTV, kết quả mô hình cho thấy giống NK7328 Bt/GT từ sau khi gieo đến thời điểm 10 ngày sau không xuất hiện sâu. Đến 24 ngày sau gieo mới bắt đầu xuất hiện 1%, tiến hành phun thuốc BVTV đến 52 ngày sau gieo không còn thấy xuất hiện sâu. Qua thời gian thực hiện mô hình đặt chua ngọt, ngoài bướm vào bẫy còn có ong, ngài và các loại côn trùng khác.

Theo chủ hộ thực hiện mô hình, dự kiến năng suất của bắp trong mô hình đạt được khoảng 9 tấn/1 ha, so với năng suất thực thu năm 2022 là 7 tấn/1 ha (cao hơn 2 tấn/1 ha). Ngoài ra, trong vụ hè thu năm 2023 vùng sản xuất bắp có áp dụng mô hình quản lý sâu keo mùa thu cho thấy hiệu quả cao, tình trạng sâu gây hại cho bắp ít so với các vùng sản xuất khác trên địa bàn huyện. Hộ tham gia mô hình thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn. Từ đó nâng cao nhận thức trong sản xuất nông nghiệp theo hướng chủ động và sản xuất bền vững.

Ngoài ra, thông qua mô hình cho thấy trong canh tác việc áp dụng nhiều biện pháp để phòng trừ sâu keo mới có thể thu được kết quả cao. Đồng thời phải làm thường xuyên, liên tục và làm trên diện rộng để góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho hộ dân. Ngoài ra còn có thể áp dụng biện pháp này trên các loại cây trồng khác trong nhiều vụ, trong nhiều năm mà không lo ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Từ hiệu quả ban đầu của mô hình này, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đề nghị xã La Dạ và huyện Hàm Thuận Bắc nhân rộng mô hình trên các cánh đồng của đồng bào dân tộc thiểu số đang canh tác. Đồng thời các địa phương có diện tích trồng bắp chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu ngay từ đầu vụ sản xuất, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp…

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, trong năm 2023 toàn tỉnh sản xuất gần 14.000 ha bắp/13.600 ha kế hoạch năm, đạt 102,35%, với sản lượng bắp đạt khoảng 92.800 tấn/100.000 tấn kế hoạch. Về tình hình sâu bệnh hại trên cây bắp, sâu keo mùa thu vẫn là đối tượng gây hại chính. Diện tích bắp nhiễm sâu keo mùa thu gần 400 ha, tăng 216 ha so với cùng kỳ năm trước.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Nam: Gần 50 ha bắp bị úng nước, cháy lá do ảnh hưởng mưa lớn
BTO-Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN huyện Hàm Thuận Nam vừa thống kê diện tích cây bắp bị thiệt hại do mưa lớn gây ngập úng, phát sinh bệnh cháy lá, trồng không mọc trên địa bàn thôn 1 và thôn 2, xã Mỹ Thạnh. Ước tổng giá trị thiệt hại 486 triệu đồng.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hộ đồng bào tham gia mô hình “Quản lý sâu keo mùa thu hại bắp”