Lâu nay, bắp được xem là cây lương thực quan trọng thứ 2 sau cây lúa và là cây màu phổ biến được trồng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, đa dạng về mùa vụ gieo trồng và hệ thống canh tác. Cây bắp đóng vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, những năm gần đây sản xuất bắp lai được xác định là cây lương thực quan trọng trong cơ cấu cây trồng tại địa phương.
Mô hình “trình diễn giống bắp lai NK 6275” vừa qua được Trung tâm Dịch vụ miền núi Bình Thuận phối hợp với Công ty CP vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam triển khai thực hiện với mục đích lựa chọn giống bắp có tiềm năng, năng suất cao chất lượng tốt, có khả năng chống chịu với các điều kiện ngoại cảnh và phù hợp với điều kiện canh tác tại Bình Thuận. Đồng thời nâng cao trình độ sản xuất cây bắp của bà con và khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trên các vùng sinh thái khác nhau vào các vụ trong năm.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Chi – Giám đốc Trung tâm dịch vụ miền núi tỉnh, giống bắp NK 6275 trình diễn trong mô hình có chỉ số sạch bệnh ở mức cao, không có biểu hiện nhiễm các loại sâu bệnh và giữ được bộ lá xanh từ gốc tới ngọn cho tới khi thu hoạch. Ngoài ra, giống bắp NK 6275 có bộ rễ chân kiềng to khỏe, trụ đỡ tốt, thân cây cứng nên có khả năng chống đổ rất tốt. Một ưu thế nữa của giống bắp này là khả năng chịu hạn tốt và có thể sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện đất đai cằn cỗi, bạc màu. Bên cạnh đó, dù mô hình trình diễn được thực hiện với điều kiện nắng nóng, khô hạn nhưng cây vẫn đóng hạt tốt và có độ đồng đều trái cao. Thời gian sinh trưởng của giống bắp NK 6275 khoảng 115 -120 ngày.
Cũng theo Trung tâm dịch vụ miền núi, giống bắp NK 6275 được trình diễn có chiều dài tương đối đồng đều (22 - 27 cm), đường kính bắp lớn, lõi nhỏ. Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất của giống bắp. Qua thực hiện mô hình cho thấy, giống bắp NK 6275 là giống dễ trồng, dễ chăm sóc, ít hao dinh dưỡng, nhưng hiệu quả năng suất thu được lại rất cao, với năng suất dự kiến là 12,2 tấn (khô)/ha. Như vậy, giống bắp này có phổ thích nghi rộng, có thể trồng trên những chân đất nghèo dinh dưỡng hay những vùng nông dân còn hạn chế bởi những tập quán canh tác cũ hoặc ít quan tâm trong khâu đầu tư, chăm sóc…
Từ tiềm năng, năng suất cao, khả năng chống chịu tốt của giống bắp này, Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh đề nghị đơn vị cung cấp giống đảm bảo về nguồn hàng và chất lượng giống để nông dân sử dụng đạt hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các địa phương, nhất là xã vùng cao Hàm Thuận Bắc nên đưa giống NK 6275 vào cơ cấu giống chủ đạo để nông dân lựa chọn, đưa vào bộ giống canh tác chính, phù hợp và mang lại giá trị kinh tế cao.
Những tháng còn lại của năm 2023, Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, phù hợp trên từng địa bàn. Đặc biệt, từ hiệu quả kinh tế của cây bắp lai, trong đó có giống NK 6275 phù hợp trên đất cằn, đã và đang góp phần ổn định và phát triển đời sống kinh tế của nông dân trồng bắp, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Hàm Thuận Bắc nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận thông tin: Từ đầu năm 2023 đến nay, diện tích sản xuất cây bắp trong toàn tỉnh gần 12.200 ha, sản lượng bắp đạt 64.592 tấn. Tổng diện tích chuyển đổi trên đất trồng lúa 9 tháng của năm 2023 gần 4.000 ha, trong đó diện tích chuyển qua trồng bắp 1.142 ha.