Theo dõi trên

Diện mạo mới của vùng đồng bào dân tộc thôn Suối Máu

20/09/2023, 06:33

Thôn Văn hóa Suối Máu xã Tân Hà, huyện Hàm Tân ngày nay quy tụ 157 hộ với gần 700 khẩu, hầu hết đồng bào dân tộc Rai (Rắc Lây), xen kẽ một số ít hộ người Chăm, người Kinh. Bà con dân tộc đã sinh sống ổn định, bỏ hủ tục lạc hậu, giữ gìn nét văn hóa truyền thống trên vùng đất đã được tỉnh, huyện đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng.

Vùng đất hội tụ đồng bào Rai

Cách không xa UBND xã Tân Hà theo hướng quốc lộ 55 về thị xã La Gi, chúng tôi dễ dàng bắt gặp cổng chào “Thôn Văn hóa Suối Máu” ngay ven đường. Con đường số 9 được huyện Hàm Tân láng nhựa nhiều năm trước từ đây dẫn vào trung tâm thôn, nối dài ra khu sản xuất. Anh bạn phụ trách thuế địa bàn xã Tân Hà đi cùng chúng tôi bảo: Bà con dân tộc Rai sinh sống ổn định gần 20 năm ở khu dân cư tập trung này. Những năm gần đây, Nhà Văn hóa thôn Suối Máu đã có hội trường sinh hoạt khang trang hơn.

img_9442.jpg
Cổng chào Thôn Văn hóa Suối Máu phía ngoài quốc lộ 55.

Ông Đỗ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã cho chúng tôi hay: “Trước đây, bà con dân tộc Rai địa phương sinh sống rải rác ở đội 8, thôn Đông Hòa đã được các cấp chính quyền huyện, xã vận động định cư thôn Suối Máu vào năm 2006. Ở khu vực trung tâm này đã được UBND huyện Hàm Tân, xã Tân Hà quy hoạch từ trước, tập trung đầu tư hoàn chỉnh dần kết cấu hạ tầng như điện, đường giao thông, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt đảm bảo cho đông đảo người dân tộc Rai vào định cư, sản xuất, ổn định đời sống. Thôn Suối Máu khi ấy cũng được huyện đón thêm một số bà con Rai từ các xã Tân Xuân, Tân Minh, Tân Đức lên lập nghiệp, tạo điều kiện cho tất cả đồng bào dân tộc ở đây làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Các hộ dân đều được huyện, xã cấp đất xây dựng nhà ở, đất đai sản xuất; hỗ trợ vay các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế hộ, xây hệ thống nước sạch; thiết chế văn hóa cũng dần được địa phương hoàn chỉnh phục vụ đời sống văn hóa cho bà con dân tộc trong thôn”.

Ông Đỗ Văn Hùng, Chủ tịch xã cho biết, thôn Suối Máu hiện có hơn 50 hộ chia làm 2 tổ vay vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, bình quân mỗi hộ vay 20 - 50 triệu đồng phát triển kinh tế gia đình. Bà con dùng nguồn vốn để trồng rừng keo lá tràm, bạch đàn, chăn nuôi trâu, bò (3 - 5 con/hộ), làm dịch vụ, lắp đặt hệ thống nước sạch; tăng thu nhập, phục vụ sinh hoạt gia đình. Hầu hết bà con đều trả nợ đúng kỳ hạn cho ngân hàng thông qua 2 tổ vay vốn trên địa bàn thôn. Trong khi đó, người dân thôn Suối Máu bình quân đều có 1 ha đất sản xuất trở lên để trồng rừng, sản xuất nông nghiệp trồng lúa, cây màu hàng năm.

img_9346.jpg
Căn nhà mái Thái khang trang của gia đình người Rai nằm ven đường số 9, xã Tân Hà.

Gia đình trẻ theo nghề công nhân

Bên cạnh ổn định sản xuất lâu nay, những năm qua, nam nữ thanh niên đồng bào Rai chuyển dần sang làm công nhân cho các doanh nghiệp trên địa bàn như Công ty TNHH Đầu tư Tân Hà chuyên sản xuất các loại đá, gạch xây dựng; Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát (trồng các loại cây rau củ quả lấy hạt giống cung cấp nhiều tỉnh, thành cả nước). Một số thanh niên khác làm may mặc cho Công ty CP May Bình Thuận - Nhà Bè ở thị xã La Gi, KCN Hàm Kiệm II, huyện Hàm Thuận Nam đều có xe đưa đón phía ngoài cổng Thôn Văn hóa Suối Máu. Các công nhân trẻ sáng đi chiều về, phụ giúp việc nhà. Người trẻ làm công nghiệp có thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Toàn thôn đã có khoảng 50% hộ gia đình trẻ theo mô hình “2 trong 1” chồng sản xuất nông nghiệp ở địa phương, vợ học nghề đi làm doanh nghiệp trong và ngoài huyện, tăng thu nhập cho nhu cầu sinh hoạt gia đình ngày càng cao. Thu nhập của công nhân ở doanh nghiệp khá ổn định bù cho những năm sản xuất nông nghiệp mất mùa, nông sản hạ giá, dịch Covid-19 mấy năm qua.

Nhờ vậy, đời sống đại bộ phận đồng bào dân tộc Rai thôn Suối Máu đã ổn định, một số hộ làm dịch vụ vươn lên khá giả. Hai bên tuyến đường số 9 từ quốc lộ 55 dẫn vào trung tâm thôn, chúng tôi đã thấy thấp thoáng vài căn nhà mái Thái khang trang, đẹp đẽ của đồng bào Rai. Còn các tuyến đường bê tông xi măng nằm khu bàn cờ trong thôn là những căn nhà xây kiên cố của đồng bào dân tộc ở đây. Số hộ nghèo, cận nghèo chỉ rơi vào một số gia đình neo đơn, mất sức lao động, người già cả, chiếm khoảng 16%. Nhiều năm qua, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện, chính quyền xã Tân Hà vận động thêm các mạnh thường quân trong, ngoài địa phương hỗ trợ xây dựng một số căn nhà tình thương cho gia đình khó khăn. Cùng đó, các tổ chức, đoàn thể phối hợp với xã tổ chức các đợt khám, cấp thuốc miễn phí, tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin, tiêm ngừa dịch Covid-19, thực hiện đầy đủ các chương trình y tế khác cho bà con. Bên cạnh, các hội đoàn thể cấp trên, tổ chức tôn giáo, từ thiện, mạnh thường quân cùng địa phương trao tặng bà con dân tộc Rai nhiều phần quà trong các dịp lễ, tết hàng năm.

Với nỗ lực của người dân, sự hỗ trợ của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc, đời sống người dân tộc Rai thôn Suối Máu đang dần khởi sắc. Suối Máu giữ chuẩn thôn văn hóa nhiều năm nay, góp phần cùng xã Tân Hà đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2017. Tân Hà đang nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn nâng cao.

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Công đoàn Viên chức tỉnh trao tặng nhà tình thương
ở Tánh Linh
Công đoàn Viên chức (CĐVC) tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức trao tặng nhà tình thương cho chị Châu Thị Phụng (ngụ tại Khu phố Trà Cụ, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh). Tham dự lễ bàn giao có ông Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch CĐVC tỉnh, đại diện Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Bình Thuận, đại diện của 23 công đoàn cơ sở thuộc CĐVC tỉnh và lãnh đạo huyện, thị trấn.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Diện mạo mới của vùng đồng bào dân tộc thôn Suối Máu