Những năm qua, các hoạt động tạo lập, bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ các sản phẩm luôn được các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh quan tâm, thúc đẩy triển khai. Qua đó, đã góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm của tỉnh trên thị trường. Đặc biệt là đã tạo lập được vị thế vững chắc cho thương hiệu các sản phẩm chủ lực, góp phần gia tăng giá trị trên thị trường, thúc đẩy phát triển mở rộng sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh. Để khai thác lợi thế về sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm. Đến nay, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn của tỉnh đã ứng dụng các công nghệ mới được hình thành, phát triển với các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Điển hình như, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kinh phí đối ứng của địa phương để triển khai thực hiện nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Tôm của Bình Thuận” thuộc Chương trình Sở hữu trí tuệ do Trung ương quản lý. Hỗ trợ 10 - 15% các sản phẩm dịch vụ lợi thế, chủ lực của địa phương và các sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh bao gồm: Xây dựng mô hình quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể cho 7 sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận; Nghiên cứu xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận.
Mới đây nhất, tỉnh đã xây dựng, quản lý và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận mực một nắng Phan Thiết, thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ năm 2023, do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Năm 2022 là năm có số lượng đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tăng vượt bậc, cụ thể các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP trong giai đoạn 2022 – 2025 là 135 sản phẩm của 10 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả đó là nhờ công tác tuyên truyền thường xuyên để người dân và doanh nghiệp nhận thấy rõ lợi ích khi sản phẩm đạt chuẩn OCOP, chính vì thế các tổ chức kinh tế đã chủ động, tìm hiểu và đăng ký tham gia Chương trình OCOP khá nhiều. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh theo giai đoạn và hàng năm, có nhấn mạnh và định hướng phát triển các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP là các sản phẩm lợi thế, đặc trưng, đặc sản vùng miền, các sản phẩm chế biến, chế biến sâu. Nội dung này được quán triệt tới các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền cấp huyện, xã để chọn lựa, ưu tiên phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương, sản phẩm chế biến để tham gia Chương trình OCOP. Bên cạnh đó còn vận động và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình hội chợ triển lãm. Triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến với các đối tác nước ngoài do Bộ Công Thương và các đơn vị xúc tiến thương mại tổ chức để hiệp hội, doanh nghiệp biết, lựa chọn sự kiện phù hợp tham gia… Đối với các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung xây dựng các chương trình quảng bá sản phẩm đặc sản, làng nghề, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tăng giá trị hàng hóa làng nghề. Tuyên truyền khuyến khích ứng dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống…
Có thể nói, các hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ đã và đang được phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần kích thích sự đầu tư của xã hội, chính quyền địa phương về hoạt động xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Tạo lập, bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cũng như đưa Luật Sở hữu trí tuệ vào cuộc sống là nhiệm vụ cần thiết và ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm, trong đó đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đứng vững trên thị trường, thuận lợi xuất khẩu trong nền kinh tế hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng…