Với năng khiếu hội họa bộc lộ khá sớm, ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Nguyễn Trung Bảy đã vẽ nên đường nét của những khung cảnh, con người thân quen của quê hương. Đó là những hình ảnh sinh động qua con mắt trẻ thơ được thể hiện ở bất cứ thời điểm nào, địa điểm nào có thể vẽ được, có khi đó chỉ là trên cát để rồi… cho sóng xóa đi.
Năm 1946, ông tham gia cách mạng, làm liên lạc rồi vào bộ đội. Cuộc sống với bao điều mới mẻ cuốn hút chàng trai trẻ đầy hăng hái, giàu nhiệt huyết. Và chính môi trường quân đội đã khiến người họa sĩ tương lai có những góc nhìn xác thực hơn về cuộc sống và chiến đấu của quân, dân Bình Thuận kiên trung, để từ đó phản ánh lại bằng những đường nét giản dị, thân thương, góp phần cho công tác tuyên truyền.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc tiếp tục các hoạt động văn nghệ trong quân đội và sau đó học Trung cấp mỹ thuật, đến năm 1967 thì về lại miền Nam tham gia chiến đấu trên mặt trận văn hóa văn nghệ, làm cán bộ Cục Quân huấn - Quân khu Trị Thiên. Sau giải phóng, Nguyễn Trung Bảy trở lại quê nhà, công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho đến khi nghỉ hưu.
Là người hoạt bát và năng nổ nên khi tham gia các đoàn văn công trong kháng chiến, ngoài công việc là dựng cảnh, ông còn tham gia đóng vai trong các vở kịch hay độc tấu, có những bài tấu ông sáng tác và biểu diễn được nhiều người thích như Cây xẻng hay Ông Xuân râu kể chuyện bộ đội diễn tập. Nhưng có lẽ, vẽ mới là điểm nổi bật của hoạt động của người lính Nguyễn Trung Bảy. Trong điều kiện chiến trường thiếu thốn các chất liệu, ông lấy ký họa làm lối vẽ cho mình, vừa đơn giản lại hiệu quả khi phải thể hiện nhanh những điều cần ghi nhận.
Tranh ký họa của ông chuyển ra miền Bắc thường triển lãm chung trong các phòng tranh giới thiệu sáng tác của các họa sĩ gửi ra từ chiến trường. Những tác phẩm tiêu biểu có thể kể như Cu Dài thể hiện một anh chiến sĩ người dân tộc, Tranh thủ học tập vẽ về các chiến sĩ bên một ụ pháo trên đường 559, Chiến sĩ quay phim hay Trạm quân y tiền phương viện 94. Có một kỷ niệm về tác phẩm Trạm quân y tiền phương viện 94, đó là ông gặp được tác phẩm của mình trong một hoàn cảnh khá đặc biệt và vui. Sau giải phóng, ông làm việc ở Tỉnh đội Thuận Hải, khi đi tuyển những người có khiếu vẽ về phục vụ công tác, ông đến một đơn vị nọ và tình cờ gặp được bức tranh này do một chiến sĩ giữ. Người chiến sĩ ấy không tin ông là tác giả bức tranh, bởi nó được in trong tập bưu thiếp bằng tiếng nước ngoài, lúc đó ông phải thỏa thuận vui với người chiến sĩ ấy rằng, nếu lật mặt sau ra thấy có tên Nguyễn Trung Bảy thì phải cho ông xin bức tranh ấy về làm kỷ niệm, và ông đã gặp lại đứa con tinh thần của mình sau bao năm xa cách. Một tác phẩm ký họa khác của ông vẽ trong chiến tranh đến mãi nhiều năm sau lại đưa ông đến với một niềm vui khác, đó là bức ký họa ông thể hiện hình ảnh những người lính thương binh đang quây quần bên bàn cờ tướng, năm 2001, họa sĩ Trung Dũng - con trai ông tình cờ thấy được đã động viên ông dựng thành tranh, và bức tranh có tên gọi Chiếu tướng của ông đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng thưởng cùng năm tại Triển lãm mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ. Họa sĩ Nguyễn Trung Bảy còn thường xuyên vẽ minh họa cho Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận trong nhiều năm.
Chiếu tướng (tranh sơn dầu) - Tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2011. |
Nói về quá trình hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Trung Bảy sẽ là khiếm khuyết khi không nhắc đến hai mảng nhạc và văn. Về nhạc, ông là tác giả của một số bài hát đến nay còn nhiều người biết đến. Lúc sinh thời, ông kể chuyện, có một đoàn cựu chiến binh cùng chiến đấu với ông năm xưa từ TP. Hồ Chí Minh ra thăm chiến trường cũ, khi đến thành cổ Quảng Trị đã gọi điện thoại về cho ông, nhắc lại một bài hát ông sáng tác năm 1972, đó là bài Cối xay thịt. Thời đó, ngoài bài hát anh em đồng đội còn nhớ này, ông còn có ca khúc Kéo thuyền trên sông Thạch Hãn đoạt giải nhất trong một lần thi biểu diễn tại Quảng Trị. Sau giải phóng, về lại Bình Thuận, ông viết được một số bản nhạc phản ánh đời sống, con người quê hương dựng xây đất nước như: Mưa ngâu nhớ mùa trồng điều, Bình minh Giarai, Taleo hót lên, Thuận Hải quê ta tay súng tay lưới… đã được dàn dựng và biểu diễn ở nhiều nơi. Về văn, ông cũng đã có một số truyện ngắn, ký, tùy bút in trên báo chí và đoạt giải thưởng như: Anh Kỳ khùng, Chàng Bánh Mì, Tiếng sáo của người săn rắn, Vòng tay siết chặt, Bằng tưởng lệ, Niềm hy vọng bé nhỏ, Con mèo hoang, Bài ca giải phóng - bài thơ quê hương, Cà Gioòng chia nước…
Năm 1982, khi tỉnh có quyết định thành lập Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Thuận Hải thì họa sĩ Nguyễn Trung Bảy là một trong số 7 thành viên của Ban vận động, ông là người đã gắn bó, cống hiến nhiều với phong trào văn học nghệ thuật địa phương, nhất là ở mảng mỹ thuật.
Những năm cuối đời, ông bị bệnh đi lại khó khăn nhưng vẫn sáng tác mỗi khi có thể, đó là tác phẩm Bờ kè Gò Me vẽ về phong cảnh ngay phía trước nhà, hay bức tranh Việc nhà về một hình ảnh quen thuộc của vùng quê biển Bình Thuận là đan lưới. Những bức tranh của họa sĩ Trung Bảy thường giản dị, mộc mạc, thấm đậm tình người, tình quê, cũng như phương châm sống của ông.
Nhớ về ông là nhớ đến một người họa sĩ gần gũi, chân tình, nụ cười đôn hậu, hiền hòa luôn nở trên môi, khó có thể phai mờ trong các thế hệ văn nghệ sĩ Bình Thuận, dẫu ông đã về nơi rất xa...
THIÊN THANH