
Theo đó, thực hiện nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; các kết luận của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp…
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao các sở, ban, ngành thuộc tỉnh chủ trì, khẩn trương chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông (theo từng sở, ban, ngành), tổ chức xây dựng Đề án sáp nhập từng sở, ban, ngành của 3 tỉnh; bảo đảm tiến độ theo Kế hoạch của tỉnh; hoàn chỉnh Đề án, gửi Sở Nội vụ thẩm định, tổng hợp trước ngày 22/4/2025.
Giao Sở Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành triển khai xây dựng Đề án theo yêu cầu; tổng hợp nội dung vào Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh (Đề án chung của tỉnh) bảo đảm tiến độ và phù hợp với Kế hoạch chung của tỉnh.
Trước đó, ngày 12/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Nghị quyết nêu rõ, Ban chấp hành Trung ương thống nhất cao các chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).
Trung ương cũng thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương) với tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị xác định theo các nguyên tắc nêu tại các Tờ trình và Đề án. Theo Nghị quyết số 60, tỉnh Bình Thuận sẽ hợp nhất với tỉnh Đắk Nông và tỉnh Lâm Đồng, dự kiến lấy tên tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng.