Theo dõi trên

Học tập Nghị quyết Trung ương 4 - khóa XIII: Bổ ích và thiết thực

11/05/2022, 05:16

Cách dẫn dắt câu chuyện về những điểm mới trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng của GS.TS Phùng Hữu Phú - Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận 21, Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XIII) tại phòng họp Tỉnh ủy mới đây đã để lại cho người nghe nhiều điều bổ ích.

Hấp dẫn và sâu sắc

Dù nhiều ngày trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ giọng trầm ấm, truyền cảm, dứt khoát của GS.TS Phùng Hữu Phú tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận 21, Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XIII) cho lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản, Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật, Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trên toàn quốc.

20220502_162555.jpg
Tài liệu Giáo sư Hoàng Chí Bảo  nói chuyện với cán bộ, phóng viên báo cách đây 5 năm

Giọng nói cũng làm tôi nhớ đến giọng “thôi miên” người nghe của Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác tại buổi Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, cách đây gần 5 năm tổ chức tại hội trường cơ quan Báo Bình Thuận. Lúc đó, hơn 40 cán bộ, phóng viên chăm chú nghe, nhìn giáo sư trên màn hình nhỏ, có người muốn rơi nước mắt vì thương và cảm phục Bác, tôi mượn lại CD của Ban tổ chức buổi học chép lại để làm tư liệu và cũng để lại cho con cái khi lớn lên chúng sẽ được nghe.

Hai buổi học, buổi nào cũng có ý nghĩa. Cả khán phòng họp Tỉnh ủy hôm ấy, với gần 100 lãnh đạo, đội ngũ nghệ sĩ, trí thức đông đúc nhưng không một tiếng động ngoài giọng nói của GS.TS Phùng Hữu Phú. Ông nói rất chậm như “rót” vào tim từng câu, từng từ, xâu chuỗi, phân tích, giải thích những vấn đề về phẩm chất chính trị đạo đức lối sống của đảng viên. Trong đó, cả những gì được và chưa được từ khi đất nước triển khai Hội nghị Trung ương 4 (HNTƯ 4) khóa XI đến HNTƯ 4 - khóa XII, và chỉ ra vì sao lại phải có HNTƯ 4 - khóa XIII.

“Kết quả đạt được trong thực hiện NQTƯ 4 - khóa XI và khóa XII là rất thiết thực. Nhưng nhìn lại một cách nghiêm túc, Trung ương thấy rằng, chúng ta đã làm tích cực để có những chuyển biến đáng mừng, nhưng so với yêu cầu đặt ra chưa đạt. Suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, tham nhũng, quan liêu lãng phí, thậm chí có một bộ phận, có mặt diễn biến phức tạp hơn. Có những thời điểm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước, đối với chế độ, đối với cán bộ đảng viên bị rạn nứt, thậm chí có lúc là rạn nứt nghiêm trọng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ, thiếu trách nhiệm, chưa gương mẫu, thiếu rèn luyện, tiếp tục suy thoái, bị xử lý nghiêm”, GS.TS Phú nói. Đồng thời dẫn chứng những con số buồn: “Nhiệm kỳ Đại hội XII toàn Đảng có 87.210 đảng viên bị thi hành kỷ luật, tăng 18% so với nhiệm kỳ XI. Trong đó, có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý, tăng hơn 10 lần so với nhiệm kỳ trước...”.

Rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay

Sau 2 hội nghị, Trung ương nhận diện đầy đủ, sâu sắc hơn về suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên. GS.TS Phùng Hữu Phú dẫn lại bài phát biểu bế mạc Hội nghị TƯ 4 - khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư phân tích rất sâu sắc về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, và sự nguy hại của nó. Phức tạp hơn, đó là phai nhạt lý tưởng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, mất niềm tin, nói trái, làm trái quan điểm đường lối của Đảng, sa sút ý chí chiến đấu, đúng không bảo vệ, sai không đấu tranh, thậm chí còn phụ họa với những quan điểm việc làm sai trái... Đối với suy thoái về đạo đức lối sống, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Có những biểu hiện sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực; tham nhũng tiêu cực; bè phái; cục bộ mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, trước nhu cầu chính đáng của nhân dân. Từ suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống dẫn tới tự diễn biến, tự chuyển hóa, là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc câu kết với các thế lực thù địch, cơ hội phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

20220421_090132.jpg
Cả phòng họp chăm chú nghe GS.TS Phùng Hữu Phú nói chuyện. 

Tình hình đó đã trả lời vì sao cần có một hội nghị nữa – Hội nghị TƯ 4 lần thứ XIII. Hội nghị lần này bàn ở một tầm cao hơn, quyết tâm chính trị với những giải pháp quyết liệt hơn. “Đất nước chúng ta đang đặt mục tiêu rất cao, phải đạt được nền công nghiệp cơ bản theo hướng hiện đại trong 5 năm hoặc 10 năm tới. Đến năm 2045, nhân dịp 100 năm thành lập nước, chúng ta phải trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao theo hướng phát triển xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu đề ra cao vậy, nên cần phải có kế hoạch cụ thể, tính toán chi tiết, lộ trình, bước đi, giải pháp trong bối cảnh khó khăn, thách thức gay gắt. Có những thời điểm khó khăn và thách thức nhiều hơn là cơ hội, thuận lợi”, GS.TS Phùng Hữu Phú nói. Ông dẫn chứng cụ thể, năm 2021 và 2022 có biết bao thử thách, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả nước trong tình trạng vô cùng khó khăn, tác động toàn diện đến các lĩnh vực kinh tế, không loại trừ có những biến thể nữa phức tạp hơn. Vấn đề Ukraine, trong một thế giới phẳng chỉ cần một quốc gia xảy ra sự kiện gì đều tác động đến tất cả các nước, nhất là các nền kinh tế lớn.

Trong bối cảnh như vậy, Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định, phải làm sao khơi dậy, phát huy được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh văn hóa con người Việt Nam. Coi đó là nguồn lực nội sinh có tính quyết định. “Yêu cầu cao, vấn đề đặt ra lớn như thế, làm sao đây để khơi dậy khát vọng, ý chí của nhân dân, sức mạnh của văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam. Tất cả những cái đó, chỉ có được khi nhân dân có niềm tin, có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin là mất tất cả. Vừa qua chúng ta đẩy mạnh, kiên quyết phòng chống tham nhũng, nhân dân đang tin tưởng, nếu không đẩy mạnh hoặc dừng lại thì nhân dân lại mất niềm tin, chúng ta còn sức mạnh nữa không?”, GS.TS Phùng Hữu Phú trăn trở. Ông nhấn mạnh câu nói rất thấm thía của Bác: “Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Có thể nói kẻ phá hoại sự nghiệp cách mạng đáng sợ nhất là những người ấy...”.

Những điểm mới

Hội nghị TƯ 4 - khóa XIII đã thảo luận và ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. GS.TS Phú giải thích rõ những điểm mới trong Kết luận 21. So với Nghị quyết TƯ 4 - khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ thì kết luận mang tầm cao hơn.

“Về cơ bản Kết luận 21 vẫn giữ nguyên tên Nghị quyết TƯ 4 - khóa XII, chỉ bỏ và bổ sung một số cụm từ như: bỏ cụm từ “tăng cường” để lại “đẩy mạnh” vì nó thể hiện tính cao hơn tăng cường; bổ sung 3 cụm từ gồm “hệ thống chính trị” ý nói đây không chỉ là vấn đề của nội bộ Đảng mà là câu chuyện của toàn bộ hệ thống chính trị; “kiên quyết” thể hiện mạnh mẽ, quyết tâm hơn; “xử lý nghiêm cán bộ đảng viên”. Cốt của nó giống nhau, nhưng bổ sung một số cụm từ làm cho nó nâng tầm hơn”, GS.TS Phú nói.

Nội dung Kết luận 21 mở rộng đấu tranh chống suy thoái, gắn với đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hơn, lần này Trung ương kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ đảng viên suy thoái, biến chất, tham nhũng, tiêu cực. Nhất là những vụ việc mà dân nếm chịu hậu quả nghiêm trọng. “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn chăm sóc một rừng cây quý, cán bộ là rừng cây quý. Mà rừng cây ấy phải vun trồng chăm sóc, nhưng đồng thời phải kiên quyết diệt sâu, nếu không diệt sâu thì cây có to khỏe mấy cũng chết vì con sâu đục khoét”, Giáo sư Phú dẫn lại câu nói của Bác.

GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh câu nói rất thấm thía của Bác: “Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Có thể nói kẻ phá hoại sự nghiệp cách mạng đáng sợ nhất là những người ấy...”.

GHI CHÉP: NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Báo chí tập trung tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 và 7 (khóa XII)
BTO- Chiều qua (24/9), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí .Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Trung Phước chủ trì hội nghị.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học tập Nghị quyết Trung ương 4 - khóa XIII: Bổ ích và thiết thực