Tham dự trực tuyến tại Bình Thuận có Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Lan Ngọc, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch và một số doanh nghiệp lưu trú, lữ hành trên địa bàn tỉnh.
Với mục đích triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, trong đó xác định Trung Đông là thị trường nguồn du lịch tiềm năng, Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam và GCC chủ đề “Tiềm năng và triển vọng” có sự tham gia trực tiếp của 180 đại biểu là lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ ngành liên quan của Việt Nam và các nước GCC, Đại sứ các nước GCC tại Việt Nam và đại sứ Việt Nam tại khu vực Trung Đông, các hãng hàng không, công ty lữ hành, lưu trú du lịch và lãnh đạo ngành du lịch các tỉnh, thành trọng điểm du lịch Việt Nam (trực tuyến).
Cảnh đẹp Bình Thuận vẫn luôn thu hút du khách
Các quốc gia GCC gồm: Saudi Arabia, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman, trong đó có một số quốc gia đã có ngành du lịch phát triển, hàng năm thu hút trên 50 triệu lượt khách, trong đó có hơn 40.000 lượt khách Việt Nam (2019).
Ngược lại, mặc dù hàng năm có trên 45 triệu lượt khách du lịch khắp thế giới nhưng chỉ có trên 6.500 lượt đến Việt Nam (2019), theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, là “còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và cơ hội phát triển của cả 2 bên”. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không nằm trong danh sách 20 điểm đến hàng đầu của du khách đến từ các quốc gia GCC. Có nhiều nguyên nhân như: hạ tầng du lịch Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách GCC, trong đó có tiêu chuẩn Halal của người Hồi giáo, tầng suất bay thẳng 2 chiều chưa nhiều, các chính sách về thị thực chưa thuận lợi...
Nhằm tìm kiếm biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC, Hội nghị tập trung nêu ý kiến và thảo luận theo 2 chuyên đề là tiềm năng thúc đẩy hợp tác du lịch Việt Nam - GCC; khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác du lịch Việt Nam - GCC: định hướng và giải pháp.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Ngô Toàn Thắng, du khách Kuwait nói riêng và GCC nói chung thường có xu hướng du lịch cùng gia đình và nhóm bạn bè với quyết định “đi du lịch” rất... ngẫu hứng. Cùng với đó là nhu cầu về dịch vụ cao cấp và phù hợp văn hóa Hồi giáo... Do vậy, công tác quảng bá xúc tiến hình ảnh điểm đến Việt Nam tại GCC rất quan trọng. Ngoài ra, đây còn là thị trường khách có đặc điểm lưu trú dài ngày và chi tiêu cao nên vấn đề giao thông (đường bay), chất lượng dịch vụ, thắng cảnh biển và sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của thị trường tiềm năng này.
Đánh giá về tiềm năng và lợi thế của du lịch Việt Nam với GCC, Ngài Mohammed Ismaeil Al-dahlwy, Đại sứ Saudi Arabia tại Việt Nam, cho rằng: “Về cơ bản, Việt Nam đáp ứng tốt nhu cầu của khách GCC như khí hậu, bờ biển đẹp, chất lượng sản phẩm, giá cả, ẩm thực... Trở ngại cần lưu ý là giao thông (hiện chỉ có 2 đường bay thẳng từ Việt Nam đến Doha - Qatar và Dubai - UAE), khác biệt văn hóa và ngôn ngữ. Đó là lý do tại sao khách thị trường GCC thường chọn du lịch các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thailand... do có sự tương đồng về văn hóa Hồi giáo và tiếng Ả rập. Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn thiếu những không gian hay những khu vực để phục vụ du khách vùng Vịnh cầu nguyện mỗi ngày...
Tháo gỡ những điểm nghẽn này để khai thác hiệu quả thị trường du lịch đầy tiềm năng GCC, góp phần phục hồi ngành du lịch, thu hút du khách quốc tế, hầu hết đại biểu tham gia, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và GCC đều thống nhất phải triển khai nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác du lịch và đầu tư trong lĩnh vực du lịch giữa 2 bên; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp dành riêng cho du khách GCC tại Việt Nam; kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành 2 bên và với các địa phương trọng điểm du lịch; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và các đối tác ở Đông Nam Á, Nam Á trong việc xây dựng chương trình du lịch dành cho du khách GCC.
Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, nêu thêm một số giải pháp như: Tăng cường công tác quảng bá xúc tiến hình ảnh du lịch Việt Nam, nhất là thông qua Đại sứ quán 2 bên; từng bước đơn giản hóa thủ tục cấp Visa cho thị trường GCC, tăng thêm tần suất chuyến bay giữa Việt Nam và các nước khu vực GCC; đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên đội ngũ nhân viên thành thạo tiếng Ả rập, kỹ năng phục vụ khách các nước Hồi giáo; sự chung tay kết hợp của 3 doanh nghiệp lưu trú, lữ hành và hàng không trong việc quảng bá điểm đến và chất lượng sản phẩm dịch vụ... để thu hút nhiều hơn nữa thị trường khách đầy tiềm năng GCC.