Theo dõi trên

Hội nghị Khuyến công và Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam

11/10/2024, 08:38

BTO-Tối10/10, Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024 đã chính thức khai mạc tại TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Đây là hoạt động thuộc Chương trình khuyến công quốc gia năm 2024 do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo tổ chức, còn Cục Công Thương địa phương và Sở Công Thương Kiên Giang là đơn vị phối hợp thực hiện.

Hội chợ triển lãm (diễn ra từ ngày 10 - 16/10) có quy mô 350 gian hàng, gồm 250 gian hàng dành cho các cơ sở công nghiệp nông thôn và 100 gian hàng xã hội hóa dành cho cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ. Góp mặt tại hội chợ, ngành Công Thương Bình Thuận đã tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu đa dạng các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, lợi thế của tỉnh nhà.

img_6828.jpg
Gian hàng của tỉnh Bình Thuận tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024.

Đến dự và phát biểu chào mừng tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng,  thông tin: năm nay cả nước có 889 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh đăng ký tham gia bình chọn cấp khu vực, trong đó 439 sản phẩm được công nhận (đạt tỷ lệ 49%). Đối với khu vực phía Nam ghi nhận 18/20 tỉnh, thành phố đăng ký 382 sản phẩm tham gia bình chọn, trong đó có 189 sản phẩm được công nhận (đạt 49,5% tổng số sản phẩm đăng ký). Kết quả cho thấy, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được công nhận của khu vực phía Nam năm 2024 chiếm 43% trong tổng số sản phẩm toàn quốc được công nhận.

img_6865.jpg
Trao cúp và giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm được công nhận (trong đó có một số đơn vị đến từ Bình Thuận).

Dịp này, Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương tiến hành trao cúp và giấy chứng nhận cho 189 sản phẩm/bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024. Riêng tỉnh Bình Thuận đăng ký tham gia bình chọn 30 sản phẩm/bộ sản phẩm và có 12 sản phẩm/bộ sản phẩm được công nhận tiêu biểu khu vực phía Nam lần này. Trong đó chủ yếu là nước mắm truyền thống các loại, sản phẩm chế biến từ thanh long, hải sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh. Như bộ sản phẩm Nước mắm truyền thống Thuận Hưng, bộ sản phẩm Trà hoa thanh long - Hoa thanh long sấy, bộ sản phẩm Thanh long sấy dẻo đỏ - Thanh long sấy dẻo trắng, bộ sản phẩm Mực bơ tỏi - Cá đù cháy tỏi - Cá lạc chiên mắm - Cá mai sốt chanh…

Trước đó vào buổi chiều cùng ngày (10/10), Sở Công thương Kiên Giang phối hợp Cục Công Thương địa phương cũng đã tổ chức Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XIV năm 2024. Qua đó đánh giá tình hình hoạt động khuyến công của các địa phương phía Nam trong năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, đồng thời thảo luận, đề xuất giải pháp triển khai nhiệm vụ đem lại hiệu quả cao hơn vào thời gian tới.

img_6804.jpg
Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2024 vừa được tổ chức tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
img_6800.jpg
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận tham dự tại hội nghị.

Theo báo cáo, tổng kinh phí khuyến công năm 2023 của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 81,7 tỷ đồng, bao gồm kinh phí khuyến công quốc gia thực hiện hơn 30,6 tỷ đồng và kinh phí khuyến công địa phương khoảng 51 tỷ đồng. Còn năm nay có tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 91,3 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương giao theo kế hoạch là 59 tỷ đồng và kinh phí khuyến công quốc gia 32,3 tỷ đồng. Qua 9 tháng năm 2024, kinh phí khuyến công toàn khu vực thực hiện đạt 25,3 tỷ đồng, gồm kinh phí khuyến công quốc gia khoảng 3,9 tỷ đồng và kinh phí khuyến công địa phương thực hiện 21,4 tỷ đồng…

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Cục Công Thương địa phương cho rằng chính sách khuyến công thời gian qua đã triển khai thực hiện đồng bộ và nhận được sự quan tâm của các cấp ngành, địa phương trong khu vực. Dù còn gặp khó khăn, nhưng nhìn chung công tác khuyến công cũng phát huy vai trò quan trọng trong việc tiếp sức, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn vượt qua thách thức, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Từ đó góp phần ổn định và từng bước mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương trong khu vực.

Tới đây, việc tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công sẽ bám sát định hướng, chỉ đạo của Bộ Công Thương, chính quyền các địa phương và Sở Công Thương 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đồng thời tiếp tục phấn đấu vượt khó, tận dụng cơ hội để tạo động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của cả nước nói chung, khu vực nói riêng…

Khu vực phía Nam gồm 20 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Khu vực này được xem là nơi hội tụ nhiều lợi thế nổi trội, có điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ và đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đ.QUỐC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hướng đi nào cho phát triển kinh tế tập thể ở Đức Linh?
Với hơn 60 hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn, kinh tế tập thể (KTTT) đang đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế ở Đức Linh. Tuy nhiên, hiệu quả, vai trò của lĩnh vực này đến nay vẫn chưa được phát huy đúng với tiềm năng và lợi thế của huyện...
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị Khuyến công và Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam