Luật Biên phòng Việt Nam có 6 chương, 36 điều quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, đảm bảo và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng và có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2022.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Việc tổ chức tập huấn Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2021-2025 sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng bộ đội biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong tình hình mới. Thượng tướng yêu cầu, sau hội nghị, các báo cáo viên của ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tổ chức tập huấn chuyên sâu, tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết của giai đoạn 2021-2025.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe chuyên đề 1 giới thiệu nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật Biên phòng Việt Nam. Chuyên đề 2 giới thiệu nội dung và các văn bản quy định chi tiết, trong đó tập trung giới thiệu nội dung Nghị định số 106/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam.
Cũng trong sáng 27/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã tổ chức hội nghị ký kết kế hoạch phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh trật tự trên biển. Theo đó, 2 đơn vị đã trao đổi, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và xác định nội dung trọng tâm cần phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thời gian tới như: đẩy mạnh tốt công tác phối hợp trong tuần tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động xâm phạm chủ quyền, tội phạm và vi phạm pháp luật trên biển và trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong quần chúng nhân dân; phối hợp điều động lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và ứng phó sự cố môi trường...