Những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại Bình Thuận có ưu thế phát triển với điều kiện tự nhiên sông ngòi phong phú, các hồ đập, mặt nước lớn, nhất là lưu vực sông La Ngà. Nhờ đó, phát triển một số loại cá nước ngọt truyền thống như cá rô phi, mè, trôi, trắm, chép… Ngoài ra, Trung tâm khuyến nông đã xây dựng các mô hình như nuôi cá chình, cá chạch lấu, lươn, cá lăng. Nhất là từ năm 2016 đến nay, mô hình nuôi cá thát lát cườm theo liên kết chuỗi với quy mô tăng dần qua các năm, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, từng bước đưa nghề nuôi trồng thủy sản sang hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị sản phẩm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt. Một số ý kiến cho rằng, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, với nhu cầu tiêu dùng và trình độ nuôi trồng thủy sản ngày càng được nâng cao, nhất là công nghệ sản xuất giống, công nghệ chế biến thức ăn công nghiệp, thuốc xử lý môi trường…, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh cần đổi mới bắt kịp tiến bộ khoa học công nghệ. Mặt khác, nắm bắt định hướng thị trường, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thủy sản nước ngọt.
Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại tình hình nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn. Đồng thời trao đổi những tiến bộ kỹ thuật, những đối tượng nuôi mới tiềm năng, cho giá trị kinh tế, để đẩy mạnh phát triển nghề nuôi thời gian đến.