Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, đến nay các cơ quan, đơn vị và địa phương đã nỗ lực, tập trung triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, một số nhiệm vụ đạt kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được quan tâm đẩy mạnh. Tiếp tục quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá nguy cơ cao, không để vi phạm vùng biển nước ngoài. Công tác đăng ký tàu cá theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT cơ bản đạt tiến độ yêu cầu, nhất là tiến độ đăng ký cho nhóm tàu cá 12 mét (đạt 96,4%; còn 84 tàu cá chưa làm thủ tục đăng ký, trong đó có 58 tàu không đủ điều kiện).
Việc kiểm soát tàu cá xuất nhập bến, ra vào cảng và triển khai Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) và kiểm soát sản lượng lên bến, truy xuất nguồn gốc được triển khai nghiêm túc. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các thủ tục sửa chữa, khắc phục hạ tầng cảng cá được tập trung thực hiện, có hạng mục đã khởi công. Công tác thực thi pháp luật được tăng cường, trong tháng các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính 89 vụ/438,55 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đã xử phạt 410 vụ với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng.
Trao đổi tại cuộc họp, các địa phương đã thảo luận một số công việc còn tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục như: Tiến độ thực hiện đăng ký đối với nhóm tàu cá chiều dài từ 12 mét trở lên còn chậm, còn 140/237 tàu cá chưa được cấp giấy Chứng nhận an toàn kỹ thuật (59%). Số lượng tàu cá đã đăng ký nhưng chưa thực hiện cấp/cấp lại Giấy phép khai thác thủy sản còn nhiều 1.216 tàu cá, trong đó một số địa phương còn tồn đọng nhiều như: Phan Thiết 414 tàu; La Gi 380 tàu; Tuy Phong 297 tàu; Phú Quý 96 tàu... Việc tàu mất kết nối VMS trên 6 giờ lặp đi lặp lại cần đưa vào diện theo dõi đặc biệt. Bên cạnh đó, nhiều tàu vi phạm IUU cập cảng chưa được xử lý đã ảnh hưởng đến việc truy xuất nguồn gốc, cấp xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho các doanh nghiệp. Công tác xử lý vi phạm hành chính, nhất là xử lý tàu cá mất kết nối VMS trên biển rất ít…
Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong công tác chống IUU của tỉnh, đặc biệt là tỷ lệ đăng ký tàu “3 không” gần đạt 100%. Bên cạnh đó, việc xử lý tàu cá mất kết nối VMS trên 6 giờ, trên 10 ngày đã bắt đầu vào cuộc rà soát, xác minh.
Chỉ đạo những nhiệm vụ sắp tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành chủ động chuẩn bị các công việc để đón đoàn EC đến kiểm tra tại Việt Nam vào đầu tháng 11/2024. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là kiên quyết không để tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, xem đây là nhiệm vụ liên tục, cần thực hiện chặt chẽ, đồng bộ hơn. Về giám sát nhóm tàu nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, đề nghị các địa phương thành lập nhóm zalo, tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát trong tháng cao điểm và phân công giám sát chéo để quản lý chặt chẽ hơn. Ngoài ra, để hoàn thành 100% việc đăng ký cho nhóm tàu cá “3 không”, đề nghị Chi cục Thủy sản cung cấp danh sách 33 tàu dưới 12 mét đề nghị đưa ra khỏi danh sách tàu “3 không”, và 10 tàu cá từ 12m trở lên chưa đăng ký cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để cùng giám sát, quản lý và xử lý, nếu có vi phạm. Đồng thời, yêu cầu các địa phương rà soát lại các tàu cá không đủ điều kiện đăng ký, tổng hợp báo Sở Nông nghiệp và PTNT để xử lý từng trường hợp, đảm bảo cho ngư dân hoạt động đúng phát luật.
Đặc biệt, ông Nguyễn Hồng Hải đề nghị trước 17h ngày 11/10, các địa phương phải báo cáo kết quả xác minh các trường hợp tàu cá mất kết nối VMS cho Sở Nông nghiệp và PTNTN, theo đó xử lý triệt để, hạn chế trường hợp đổ lỗi cho thiết bị giám sát hành trình, nhà mạng... Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ khắc phục sửa chữa, hư hỏng, xuống cấp hạ tầng cảng cá, nạo vét khơi thông luồng lạch, đảm bảo vệ sinh môi trường, ưu tiên xử lý môi trường ở cảng cá La Gi…