Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện Hàm Thuận Nam (1/6/1983 - 1/6/2023): Đường đến chủ thể xây dựng nông thôn mới

25/05/2023, 05:28

Đây là 2 ví dụ trong hàng loạt công trình được xây dựng ở Hàm Thuận Nam xuất phát từ nhu cầu bức xúc và từ đó, chính quyền đã mở lối, tạo đường cho người dân bước vào vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới một cách tự nhiên nhất.

Từ những công trình bức xúc

Cách QL 1A chỉ 1 km nhưng thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ như bị biệt lập, khi đường đi xấu, tăm tối về đêm. Xung quanh lại có nhiều vườn thanh long nên tình trạng bị ép giá thanh long, trộm cắp dây bóng điện thường xảy ra. Dân trong thôn rất muốn xây dựng con đường. Thế nên, khi có chủ trương xây dựng đường giao thông thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ có tổng vốn lên đến 1 tỷ đồng, trong đó Nhà nước 65%, 35% còn lại do dân đóng góp thì dân trong thôn đều hưởng ứng. Chỉ cần tính 35% của 1 tỷ đồng phân bổ lên 60 hộ dân trong thôn thì có thể thấy sức dân và cả quyết tâm phải có đường lớn đến mức nào. Thời điểm ấy là năm 2017, giá thanh long cũng cao nên cứ 1 trụ đóng góp 1.000 đồng, có những hộ 2.000 – 3.000 trụ, thành ra có người không ở trong thôn nhưng có vườn ở đây cũng đóng góp nên khoảng 300 triệu đồng được huy động rất nhanh. Sau khi có đường, khỏi phải nói nỗi hân hoan vì thuận tiện khi chuyên chở nông sản, đi lại học hành của con em đến thế nào. Nhưng vào ban đêm thì còn bất tiện, dân trong thôn lại bàn bạc và đóng góp khoảng 60 triệu đồng nữa rồi bắt ánh sáng an ninh trên tuyến đường. Từ đó đến giờ, mỗi hộ dân trong thôn đóng thêm tiền điện đường này với mức 120.000 đồng/năm/hộ. Nhưng bù lại họ có được rất nhiều thứ nên cuộc sống an vui.

dsc_5857.jpg

Tương tự, ở xã Hàm Cường chưa có nước sạch sinh hoạt từ nhiều năm cho đến các năm 2018, 2019, 2020. Trong thời gian này, công trình cấp nước sinh hoạt ở xã được xây dựng và chỉ mới kéo đường ống chính. Không chờ đợi, người dân ở 3 thôn trong xã lần lượt bắt đầu bàn bạc đóng góp, cuối cùng các đường ống phụ được lắp đặt vươn về các xóm rồi từng hộ dân bắt nước về nhà mình. Có nước sạch sinh hoạt ai cũng mừng vì nâng cao mức sống và đó cũng là góp phần hoàn thành 1 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Đây là 2 ví dụ trong hàng loạt công trình được xây dựng ở Hàm Thuận Nam xuất phát từ nhu cầu bức xúc và từ đó, chính quyền đã mở lối, tạo đường cho người dân bước vào vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới một cách tự nhiên nhất. Điều đáng nói, qua những sự việc cụ thể như thế cho thấy rõ sự đồng lòng, chung sức của người dân, đúng tinh thần trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, chính quyền huyện Hàm Thuận Nam rút ra bài học. Đó là cần xác định những công trình, công việc bức xúc của người dân và tập trung thực hiện tốt, từ đó tạo niềm tin và khí thế phấn khởi cho người dân khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của dân. Bên cạnh, việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo thật sự dân chủ, người dân được tham gia bàn bạc, quyết định và có sự giám sát của cộng đồng dân cư để đảm bảo công khai, minh bạch thì sẽ góp phần quyết định tiếp tục phát huy vai trò chủ thể ấy.

dsc_2190.jpg

Đến tư tưởng thông

Đến thời điểm này, khi việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, thu về kết quả có 9/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới thì người dân đã hình dung ra việc cùng chung sức, chung lòng ấy như thế nào. Nhớ lại thời điểm ban đầu, cụ thể là ngày 12/1/2012 UBND huyện Hàm Thuận Nam tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, cán bộ ở các xã cho biết, người dân chưa hình dung ra điều gì. Sau đó là hàng loạt hoạt động tuyên truyền như cấp ủy và chính quyền các xã đã mở hội nghị quán triệt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời in ấn tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã về phổ biến tài liệu hỏi đáp về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; treo pa nô, khẩu hiệu phát động phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” nơi trụ sở xã, các thôn và nơi công cộng... Rồi tiếp đó, các xã khuấy động phong trào và đi vào xây dựng các công trình, công việc bức xúc, đáp ứng mong mỏi của dân nên đã đồng loạt tạo ra sự chung sức, chung lòng đúng nghĩa.

Theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, nhân dân tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng trên mọi phương diện từ giao thông nông thôn, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa... cho đến cơ sở hạ tầng thương mại. Ngoài ra, còn góp sức xây dựng thôn, xóm xanh – sạch, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Rồi giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn... Từ đó, bộ mặt nông thôn đổi khác; đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên; nhiều thôn của xã đạt thôn văn hóa và nhiều gia đình đạt gia đình văn hóa. Vào chặng ban đầu ấy, cụ thể giai đoạn 2011- 2015, tổng nguồn vốn huy động được là 286.296 triệu đồng thì vốn huy động từ người dân, doanh nghiệp và cộng đồng là 39.676 triệu đồng. Sang chặng 2016-2019, tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới ở huyện là 154.813 triệu đồng thì vốn huy động của dân, doanh nghiệp là 6.215 triệu đồng. Rồi từ năm 2020 đến nay, việc huy động vốn xây dựng nông thôn mới vẫn tiếp tục. Gần nhất như năm 2022, tổng các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và huyện là 35.362 triệu đồng, thì dân, doanh nghiệp cũng tham gia vốn xây dựng vào từng công trình ở mức 35%.

dsc_6009.jpg

Qua thời gian cho thấy việc xây dựng nông thôn mới là 1 quá trình lâu dài và cần phải có nguồn vốn đầu tư lớn. Việc hỗ trợ nguồn vốn trực tiếp của chương trình không đủ, cần có các nguồn vốn lồng ghép khác, đa dạng hóa các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn rất quan trọng từ trong nhân dân. Nhưng để có được nguồn vốn ấy thì tư tưởng người dân phải thông, mới hy vọng việc đối ứng vốn cho việc thi công những công trình xây dựng được nhanh. Do vậy, nguồn vốn ấy phản ánh kết quả chung của tuyên truyền, của công khai minh bạch, của đồng thuận và cũng từ đây tiên liệu phần nào việc xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới như thế nào.

Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, xây dựng nông thôn mới trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ về xây dựng nông thôn mới. Phải làm cho người dân xác định chính họ là chủ thể của xây dựng nông thôn mới thì chương trình mới thật sự thành công.

HẢO CHI


(1) Bình luận
Bài liên quan
Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường
BTO-Đó là một trong những lưu ý của Bí thư Thành ủy Phan Thiết Phạm Văn Nam tại Hội nghị sơ kết 2,5 năm thực hiện Chỉ thị số 31 của Thành ủy và Kế hoạch số 6050 của UBND thành phố thực hiện Cuộc vận động: “Người dân Phan Thiết không xả rác thải, nước thải, chất thải ra đường phố và khu vực công cộng” tổ chức vào chiều 23/5.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện Hàm Thuận Nam (1/6/1983 - 1/6/2023): Đường đến chủ thể xây dựng nông thôn mới