Theo dõi trên

Huy Sô “yamaha”

27/05/2016, 09:00

BT - Lâu lắm tôi mới lại dự một cuộc họp về văn học nghệ thuật ở Bình Thuận. Điều tôi ngạc nhiên là nhạc sĩ Huy Sô vẫn còn tham gia, vẫn còn ghi chép cẩn thận mọi chuyện, vẫn còn nói cười rổn rảng, tích cực đóng góp ý kiến. Ngạc nhiên là bởi trong trí nhớ của tôi, vào những cuộc họp cách đây hơn 30 năm, lúc tỉnh Thuận Hải chưa chia tách, ông đã đứng tuổi lắm rồi, cũng xấp xỉ tuổi của Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thi, của kịch tác gia Nguyễn Tường Nhẫn, là những con người nổi tiếng của thời ấy. Trong cuộc họp, nhạc sĩ Huy Sô là người nói cười rất vui, nụ cười không bị thời gian “xâm hại” của ông làm tôi chợt nhớ  câu hát nhại “cười lên đi cho răng vàng sáng chói” thịnh hành cùng với mốt trồng răng vàng những năm năm mươi, sáu mươi của thế kỷ trước. Khi tôi đến hỏi thăm, ông hồn nhiên cất tiếng hát:  “yamaha”( viết tắt của các chữ già mà ham) già mà còn yêu đời…”. Sau, tôi mới biết dân văn nghệ ở Bình Thuận đã quen gọi nhạc sĩ Huy Sô bằng cái tên rất thương quý, ông già “yamaha”.

    

Gắn bó với biển từ trong máu thịt

Nhạc sĩ Huy Sô, tên thật là Huỳnh Sanh Châu sinh ngày 2/1/1928. Tức là năm nay ông đã 87 tuổi.

Ông cho biết, ông vốn gốc người làng Triều Dương, Thanh Hóa. Ông Tổ là ngư dân, bị bão biển nên trôi dạt đến tận đảo Phú Quý. Đến đời thứ tư thì vào Phan Thiết và ông thuộc đời thứ 8. Ông gắn bó với biển từ trong máu thịt, luôn xem biển Phan Thiết là quê hương của mình. Bao nhiêu năm nay, sáng nào không ra biển là ông thấy thiếu vắng, thấy bồn chồn trong người. Ngay cả thời đi tập kết, rồi đi học xa, ông vẫn luôn nhớ, luôn ao ước một đời sống, sáng tác gắn bó với biển. Biển và những người dân chài, những tay lưới rùng, lưới hai, lưới cước luôn là đề tài bất tận, thân thương ruột rà trong những ca khúc của ông. Chính vì vậy mà những ca khúc viết về biển đảo của người nhạc sĩ xứ biển này luôn da diết, luôn “mặn mòi” tình cảm, cả về ca từ và giai điệu. Ông đã khéo léo vận dụng, đưa vào tác phẩm của mình những câu ca dao, những câu hát đối đáp, những thành ngữ xứ biển, gần gũi với mọi người. Ca khúc “Tôi yêu đảo nhỏ quê hương” của nhạc sĩ Huy Sô là một ca khúc khá thành công và điển hình về giai điệu của ông, với các giọng ca Trọng Sơn, Kim Hương, Huỳnh Lợi, bài hát đã được phát nhiều lần trên Đài Tiếng nói Việt Nam, trên sóng phát thanh, truyền hình địa phương cũng như phát hành rộng rãi trên các trang web âm nhạc.

Về hợp xướng, có thể kể: Tiếng gọi từ biển đảo, Ngôi sao dẫn đường, Quê tôi miền gió cát, Nam quốc sơn hà… Đây là thể loại mang nhiều yếu tố kỹ thuật cao mà ông đã dồn vào đây rất nhiều công sức, tâm huyết của mình.

Nhạc sĩ Huy Sô làm công tác địch vận từ thời kháng Pháp, thời ấy, người dân khu V đã thường hát những bài nhạc ngăn ngắn của ông như Nhắn anh trong đồn, Tiếng hát ru em… Năm 1956, ông tập kết ra Bắc và học Trung cấp âm nhạc, năm 1959, ông học Sáng tác và Chỉ huy dàn nhạc của Trường Âm nhạc Việt Nam và được cử đi tu nghiệp ở Liên Xô.

Năm 1964, ông về nước phụ trách Đoàn Văn công quân khu IV, đến 1971, ông lại chuyển về nghề cũ làm biên tập chương trình phát thanh binh vận của Đài Tiếng nói Việt Nam. Về Thuận Hải, ông phụ trách Đoàn Ca múa của tỉnh nhà, sau đó làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin và Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Thuận Hải.

Nhạc sĩ Huy Sô có quá trình sáng tác khá dài hơi, 70 năm, với gần 200 sáng tác đủ thể loại: Ca khúc, hợp xướng, những đoản khúc cho kèn… Bình minh trên sông Mêpu, Quê tôi miền gió cát, Hòa bình chim ca vang, Đậm đà câu hát quê hương, Phan Thiết khúc tình ca, Tôi yêu đảo nhỏ quê hương, Tiếng gọi từ biển đảo… là những tác phẩm ông rất tâm đắc.

Lửa nhiệt huyết

Khi được hỏi về “nghệ thuật già”, nhạc sĩ Huy Sô vui vẻ nói với tôi: “Thì đấy, già “yamaha”, tâm hồn lúc nào cũng tràn trề niềm hy vọng, lúc nào cũng ham, là ham sống, ham làm việc đó mà. Đừng có sợ già! Già có gì đâu mà sợ. Sống lâu. Sống khỏe. Sống vui. Sống vậy mới đáng sống. Mà già sao được! Ngày nào cũng làm việc hăng say sao gọi là già?!”.

Ông kể những câu chuyện, mà theo ông là mới đây, thật ra thời gian “mới đây” của ông đó là gần cả thế kỷ rồi. Ngày ấy, cậu nhóc “Châu kèn” mon men theo học lỏm mấy ông lính Pháp đóng quân trong nhà mình về cách thổi kèn. Cứ mỗi lần nghịch ngợm lấy kèn thổi khẹt khẹt là bị mấy ông lính Tây ấy đánh cho mấy phát vào mông. Sau, mấy ông lính Tây ấy thấy thằng bé thích quá nên dạy cho rất nhiệt tình. Khi biết thổi kèn rồi, “Châu kèn” còn đi thổi cho học sinh chào cờ vào thứ hai hàng tuần ở ngôi trường mình theo học. “Chỉ thổi được vài đoạn vậy mà, còn học nhạc lý thì mãi sau này vào Trung học ở Sài Gòn mới được thầy Lưu Hữu Phước dạy”…

“Chiếc kèn đồng đó/ Âm thanh sao hơi vơi/ Đã tan vài vách đá/ Đã hòa với biển trời…”. Ông lim dim mắt và đọc những câu thơ do chính mình viết ra, đọc như chỉ để mình lắng tim, lắng ruột, đọc để nghe quá khứ hiện về cùng tiếng kèn lảnh lót trong những trận tấn công đồn bốt, đọc để không quên những đêm văn nghệ liên hoan với đồng chí, đồng đội… Tiếng kèn đồng địch vận của nhạc sĩ Huy Sô đã một thời gắn bó cùng lịch sử cách mạng quê hương như vậy đấy.

Giờ đây, ông không thổi kèn nữa nhưng những trang nhạc mới trên bàn làm việc của ông cứ ngày ngày lại chồng dày thêm. Đó là tâm huyết. Đó là sự cống hiến đến tận cùng của một tâm hồn luôn tràn ngập đam mê.

Tôi nói với ông: Như vậy là bút danh Huy Sô có từ năm 1945 đến nay đã 70 năm. Nhạc sĩ đã duy trì ngọn lửa nhiệt huyết với âm nhạc chừng ấy thời gian cũng đã là một kỳ công. “Thì cũng mới đây thôi mà…” Ông lại nói và lại cười, nụ cười “răng vàng sáng chói” của ông thật ấn tượng với tôi. Nụ cười ấy như là biểu tượng khang kiện của thứ ánh sáng nhiệt huyết không hề vơi tắt, nụ cười “yamaha”.

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huy Sô “yamaha”