Theo dõi trên

Huyền thoại mặt nạ

29/07/2022, 06:18

Trong sinh hoạt cuộc sống đời thường, chiếc mặt nạ không xa lạ, nó là hình ảnh quen thuộc, cũng như trong văn học nghệ thuật, nó mang ý nghĩa đa chiều, sâu lắng, gửi gắm bao điều trần thế vào thế giới huyền thoại.

Có tư liệu cho rằng “những chiếc mặt nạ cổ nhất thế giới” có niên đại cách nay khoảng 9.000 năm, nằm trong bộ sưu tập “những chiếc mặt nạ bằng đá” của Israel. Các nhà nghiên cứu cho rằng những chiếc mặt nạ này làm ra để những người cúng tế đeo trong các nghi lễ suốt thời kỳ đồ đá, là hình ảnh biểu tượng đại diện cho những linh hồn tổ tiên để giao tiếp với thế giới của những người đã khuất.(1)

images.jpg

Mặt nạ được con người sử dụng quen thuộc không riêng một dân tộc nào, nó đi vào đời sống văn hóa, thấm sâu vào vô thức cộng đồng trong hàng ngàn năm qua. Ở Việt Nam, nhiều dân tộc sử dụng mặt nạ trong sinh hoạt đời sống tâm linh. Như dân tộc Cơ Tu, người ta dùng “mặt nạ ma thuật” không chỉ xem là vật để xua đuổi những tà ma, bảo vệ yên bình cho cộng đồng làng bản, mà còn có ý đồ tạo ra nét thẩm mỹ làm cho các Gươl (2), các nhà mồ có vẻ đẹp khác biệt, ghi dấu đời sống văn hóa tâm linh, thể hiện trí tưởng tượng phong phú, trở thành một trong những thiết chế không thể thiếu trong cấu trúc nhà Gươl và nhà mồ của dân tộc Cơ Tu ở vùng núi rừng Quảng Nam. Đối với đồng bào Cơ Tu, làng nào không có nhà Gươl, không thể gọi là làng văn hóa.(3)

Có thể nhìn thấy, hình ảnh mặt nạ xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày từ xưa đến nay ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Người ta sử dụng mặt nạ biểu tượng cho sự linh thiêng trong thờ cúng, tế lễ; thể hiện sự vui tươi, hấp dẫn trong các dạ hội hóa trang, hội diễn. Mặt nạ cũng tùy thuộc vào từng hoàn cảnh sử dụng, như để làm những việc mờ ám, tráo trở, độc ác, họ dùng những mặt nạ để đe dọa, che đậy, trông rùng rợn, kinh dị; hoặc sử dụng trong sinh hoạt giao lưu vui vẻ họ dùng những mặt nạ có nụ cười xinh đẹp, hồn nhiên, trẻ trung, tinh nghịch; cũng có mặt nạ trầm tư, khắc khổ, buồn đau, biểu hiện cho từng hoàn cảnh... muôn hình vạn trạng.

Ngày nay, chiếc mặt nạ đã đi vào đời sống nghệ thuật sân khấu, điện ảnh. Giới điện ảnh sử dụng hóa trang cho những minh tinh, nhất là các loại phim cổ trang. Cả thế giới sân khấu, mặt nạ cũng xuất hiện với diễn viên – các “sao”, họ dùng mặt nạ để gây ấn tượng chú ý của khán giả.

Chính hàm ý đa nghĩa ấy, nhiều nhà văn đã đưa hình tượng mặt nạ đi vào văn học, mượn cái lớp sương mờ huyền thoại đa chiều nhằm ẩn dụ gửi gắm đến người đọc bộ mặt thật cuộc đời biến ảo khôn lường đang diễn ra sống động. Đó cũng là cách làm cho hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm lắng đọng chiều sâu về nội dung tư tưởng. Năm 2008, tôi có đọc truyện ngắn Mưa mặt nạ của Nhật Chiêu: Ở một ngôi làng hẻo lánh nọ, chưa được đặt tên, con người sống hồn nhiên chưa biết sáng tạo là gì, thậm chí thơ ngây chưa biết cười, biết khóc, tình cảm sáng ngời, trong trẻo. Bỗng một chiều cơn mưa mặt nạ quái dị đổ xuống, nhiều người thích thú đi lượm đeo vào, thế là biến dạng, mặt thật không còn, mặt người thành mặt nạ, “biến thành vượn trắng, rắn xanh, hay yêu cá, hàng xóm có kẻ thành ma cà rồng, thành hề, có người thành người dơi, cô gái mèo, tôn ngộ không”... có nữ trở thành hồ ly trong ma thuật tình yêu, hấp dẫn mà ghê sợ. Ấy là ẩn dụ truyện về ngôi làng nguyên sơ mở ra trong quan hệ giao lưu hòa nhập, thay đổi chóng mặt từ gia đình đến xã hội giữa thanh cao với tầm thường, giữa chân thật với lọc lừa đểu cáng, giữa thánh thiện với dã man, giữa dũng cảm với sự đê hèn, giữa sắt son với phản bội… Truyện đã thổi một làn gió mới khác lạ đầy hấp dẫn vào dòng chảy truyện ngắn văn học Việt Nam đương đại. Nhưng có những hình tượng văn học không dùng từ mặt nạ mà thấy đó là mặt nạ, bởi nó phơi bày sự lật lọng, điêu toa, tráo trở, đó là cái “Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào” của kẻ “Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay !” khi Thúy Kiều nhận ra “Rõ ràng mặt ấy, mặt này chứ ai ?”(Truyện Kiều).

Xét nhiều góc độ từ xưa đến nay, khi nói đến mặt nạ, trong tâm thức con người luôn có sự ám ảnh. Bởi những kẻ đeo mặt nạ là nhằm để giấu giếm, trước tiên là tự dối với chính lòng mình, rồi mới đánh lừa thiên hạ, làm những việc theo ý đồ họ muốn không ai có thể kiểm soát, phát hiện ra chân tướng, con người thật của họ. Ở đời, người ta sợ nhất và khinh bỉ nhất là những kẻ mang những chiếc mặt nạ vô hình để quan hệ sống giả tạo, kiểu như Hoạn Thư trong văn chương: “Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao!” (Truyện Kiều). Khi cuộc sống xuất hiện nhiều khuôn mặt nạ kiểu như thế thì đó là điều tai họa ghê gớm cho xã hội.

(1)http://dantri.com.vn/doi-song-...; (2) Gươl: Theo quan niệm của người Cơ Tu, nhà Gươl là chốn linh thiêng, nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên họ. Là nơi để những thanh niên Cơ Tu chưa vợ, những già hằng đêm đến ngủ. Phụ nữ, con gái chưa chồng không được đến Gươl; (3) http://suckhoedoisong.vn/phong....

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ngành kỹ thuật xét nghiệm y học: Có tính ứng dụng cao thuộc khối ngành sức khỏe
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe con người đang ngày càng tăng cao, kéo theo nhu cầu nhân lực cho các ngành y tế cũng cần phải tăng theo. Trong đó, ngành kỹ thuật xét nghiệm y học là một trong những ngành quan trọng cần được chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huyền thoại mặt nạ