Ảnh: Đ.Hòa |
Gần đây, Tạp chí Xưa & Nay (số 484 tháng 6/2017, trang 54-57) của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có đăng bài viết “Đôi nét về tư liệu Hán Nôm đình Đức Thắng (Phan Thiết, Bình Thuận)” của TS Nguyễn Đông Triều và TS Phan Mạnh Hùng. Qua nghiên cứu điền dã, các tác giả đặt một vấn đề đáng lưu ý: Liệu thời gian của lần tu tạo đình với quy mô lớn có phải từ năm 1841 (Tân Sửu) đến năm 1847 (Đinh Mùi)?
Theo bài viết, hiện có 3 chứng cứ nhắc đến mốc thời gian Tân Sửu - Đinh Mùi còn lưu lại đình: Đôi câu đối về thời gian tu tạo đình có nội dung “Vạn niên thánh đức hữu lâm, mạch xuất khôn sơn, tọa đoan khảm vị/ Dư tải hương cơ phi chấn, thượng tòng Tân Sửu, hạ đãi Đinh Mùi” (1); dòng chữ “Tân Sửu chí Đinh Mùi” trên nóc chánh điện(2); dòng chữ “Tân Sửu niên tứ nguyệt cát nhật tạo” trên xà cò nối hai con đội ở trung tâm chánh điện(3). Song, hai TS của ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP.HCM cho rằng, mốc thời gian Tân Sửu - Đinh Mùi ở đây có thể là từ năm 1901 đến năm 1907 dưới thời vua Thành Thái, vì ba lý do sau:
1. Qua khảo sát, tìm thấy được một dòng lạc khoản rất nhỏ trên rường nhà chánh điện có ghi rõ: “Thành Thái thập cửu niên Đinh Mùi thất nguyệt thập cửu nhật tu tạo” (Tu tạo vào năm Thành Thái năm thứ mười chín, ngày 19/7).
2. Dòng lạc khoản ở câu đối (1) cho biết đôi câu đối này được làm vào tháng 12 năm đầu niên hiệu Duy Tân - tức năm Đinh Mùi 1907 - không lâu sau khi vua Duy Tân lên ngôi kế vị vua Thành Thái, vì vua này bị Pháp buộc thoái vị, đưa đi “an trí” ở Vũng Tàu.
3. Không tìm thấy thêm thông tin nào khác về việc tu tạo đình trước năm Thành Thái thứ 19, đồng thời chưa đủ căn cứ khẳng định mốc thời gian Tân Sửu - Đinh Mùi là 1841-1847 thuộc đời Thiệu Trị.
Tóm lại, theo phân tích của TS Nguyễn Đông Triều và TS Phan Mạnh Hùng, thì đình làng Đức Thắng được tu tạo kiên cố trong khoảng thời gian từ năm Tân Sửu 1901 đến năm Đinh Mùi 1907 đời vua Thành Thái, chứ không phải từ năm Tân Sửu 1841 đến năm Đinh Mùi 1847 đời vua Thiệu Trị như các tài liệu đã ghi nhận. Thông tin này vẫn rất cần sự đóng góp, phản biện thêm của các nhà văn hóa học, giới nghiên cứu về nghệ thuật- kiến trúc, để trên cơ sở đó, có kết luận đúng.
PHÚC THỊNH