Theo dõi trên

Kết nối đẩy lùi “ô nhiễm trắng”

22/11/2022, 05:39

Ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, túi nilon hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, chính quyền có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường. Mới đây là “Dự án kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương” trên địa bàn huyện Phú Quý, Tuy Phong và TP. Phan Thiết, giai đoạn 2020 – 2022.

Cùng hành động

Với sự hỗ trợ của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF/SGP) thông qua Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Hội LHPN tỉnh được giao chủ trì tổ chức triển khai, thực hiện dự án vi mô nhỏ với tên gọi “Dự án kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương”, với tổng kinh phí tài trợ và đối ứng 3,3 tỷ đồng. Dự án xây dựng 7 mô hình tại các địa điểm phát sinh nhiều rác thải nhựa ở Cảng cá Phan Thiết, tuyến đường du lịch Nguyễn Đình Chiểu – TP. Phan Thiết, Cảng cá Liên Hương, tuyến tàu du lịch từ đất liền bờ biển thị trấn Liên Hương ra Hòn Cau - huyện Tuy Phong, các xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải - huyện Phú Quý.

Bà Lê Thị Hải Yến – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh kiêm Trưởng ban dự án cho biết: Hoạt động tuyên truyền đã được đẩy mạnh đến hơn 2.000 hội viên, phụ nữ và người dân thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, nói chuyện. Cùng với đó là hoạt động phát hành 3.400 tờ rơi/tờ gấp, vận động 100 chủ tàu cá tại Cảng Phan Thiết, Cảng Liên Hương tham gia mô hình quản lý tổng hợp và giảm rác thải nhựa đại dương, bố trí 60 thùng rác 240 lít trên tàu cá. Tại bến cảng đã lắp đặt 20 thùng rác. Ở các xã Bình Thạnh, Phước Thể, Liên Hương, Chí Công, Hòa Minh, Phan Rí Cửa (Tuy Phong) đội tình nguyện đều duy trì ra quân tổng vệ sinh, thu gom rác bờ biển định kỳ hàng tháng. Còn ở Phú Quý, 3 xã đều có nhóm thu gom ve chai dựa trên phân loại rác thải tại nguồn và xây dựng Quỹ vốn xoay vòng hỗ trợ người thu mua nhựa tái chế…

Sau những chuyến vươn khơi dài ngày trên biển trở về, ngoài khoang chứa cá và sản vật từ biển, những ngư dân ở Tuy Phong còn chất đầy các thùng chứa rác thải nhựa, túi nilon đưa vào bờ để phân loại, xử lý.

tp.-don-vsmt.-2019.jpg
Dọn vệ sinh ở bãi biển

Hướng đến lối sống xanh

Trong thời gian ngắn (2 năm) thực hiện dự án, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến việc thực hiện một số kế hoạch chậm trễ. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ sâu sát của các chuyên gia, sự nhiệt tình của thành viên Ban dự án và cả chính quyền, người dân, nên nhiều nội dung mà 3 mục tiêu đề ra đã hoàn thành. Trong đó, 18/18 hoạt động liên quan về nâng cao năng lực, nhận thức quản lý tổng hợp rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa đại dương cho cộng đồng, cán bộ, chính quyền và các tổ chức xã hội tại Phú Quý, Phan Thiết và Tuy Phong đều đạt chỉ số đề ra. Đội ngũ truyền thông có đủ năng lực thực hiện các hoạt động tập huấn, tuyên truyền cho người dân. Sản phẩm truyền thông được xây dựng có chất lượng tốt và có thể được sử dụng lâu dài, chia sẻ cho các dự án quản lý rác thải khác trong tương lai.

Dự án còn góp phần thu gom hàng trăm tấn rác thải các loại ngoài khơi và trên bờ. Vệ sinh môi trường tại xã thực hiện mô hình được kiểm soát. Từ nguồn vốn quỹ xoay vòng với lãi suất ưu đãi, giúp chị em thu mua nhựa tái chế nhiều hơn và thu nhập tăng lên. Tại Phú Quý, lượng rác sinh hoạt hàng ngày được vận chuyển về nhà máy để phân loại, xử lý, tái chế các loại chất hữu cơ thành phân bón sinh học phục vụ nông nghiệp cho nhân dân huyện đảo với công suất 70 tấn/ngày. Ngoài ra, các sản phẩm truyền thông còn lan tỏa ra nhiều địa phương ngoài vùng dự án…

pn-moi-truong.jpg
Phụ nữ Phú Quý thu gom vỏ chai nhựa.

Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn – giảng viên Đại học Đà Lạt, Trưởng đoàn đánh giá dự án cho rằng: Thành công của dự án không chỉ dừng ở việc thu được bao nhiêu khối lượng rác, xây dựng các mô hình mà quan trọng hơn là thay đổi từ trong hành vi, nhận thức của người dân và ngư dân vùng ven biển. Sự tự giác qua từng hành động nhỏ như không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng sản phẩm sứ, thủy tinh, inox. Hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nhà và làm phân compost, xây dựng, nhân rộng các mô hình/tổ “Đổi chai nhựa lấy cây xanh”, “Tổ phụ nữ phân loại rác tại nguồn”, “Đổi chai nhựa lấy giỏ đi chợ”, “Đổi rác thải tái chế lấy kinh phí hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em nghèo”… Chính họ lại trở thành những tuyên truyền viên tích cực bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương xanh.

Còn bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên Chương trình các dự án nhỏ SGP-GEF Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tin tưởng: Dự án là khởi đầu tốt, là cơ sở để người dân và cộng đồng tự giác hành động vì môi trường xanh. Không ai khác, chính những thành viên đã được tập huấn, tham gia mô hình sẽ là người hướng dẫn cộng đồng thực hiện phân loại rác thải tại nhà theo đúng các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đồng thời có thêm kinh nghiệm, cách thức trong tiếp cận các dự án khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương bền vững.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bắc Bình: Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em
Dựa trên quan điểm lấy phụ nữ làm trung tâm, vừa là chủ thể hành động, vừa là đối tượng thụ hưởng, qua 4 năm thực hiện Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bắc Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực, từng bước khẳng định vị thế phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết nối đẩy lùi “ô nhiễm trắng”