Theo dõi trên

Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

10/04/2025, 16:18

Sáng 10/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị. Chủ tịch nước Lương Cường điều hành Phiên khai mạc.Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 sẽ thảo luận hàng loạt chủ trương lớn mang tính đột phá, bởi như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đứng trước thời điểm lịch sử, đất nước cần những quyết sách lịch sử.

Vấn đề trọng đại được đặt lên bàn nghị sự

Tại Kết luận số 127 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu xác định quyết tâm chính trị cao nhất, triển khai thực hiện theo phương châm "vừa chạy vừa xếp hàng" để hoàn thành công việc với khối lượng rất lớn, đòi hỏi cao về chất lượng, tiến độ. Và theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, đến thời điểm này, các đề án đã được tiếp thu ý kiến, hoàn thiện để báo cáo tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Cụ thể, là Đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; Đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Đề án sắp xếp, tinh gọn cơ cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; Đề án về hệ thống tòa án, viện kiểm sát ở địa phương theo định hướng không tổ chức cấp huyện…

screenshot_1744276842.png

Cùng với đó là Đề án, dự thảo Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị số 35-CT/TW, Kết luận số 118-KL/TW ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và dự thảo quy định mới thay thế Quy định số 232-QĐ/TW, ngày 20/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; đồng thời còn có Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kết luận số 127-KL/TW, định hướng triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy thời gian tới.

Một vấn đề lớn khác là phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng; rà soát bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV cũng sẽ được Bộ Chính trị trình ra hội nghị Trung ương lần này.

Bên cạnh đó là báo cáo chuyên đề về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị. Bởi, như lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần khẳng định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển…

Với khát vọng lớn, tầm nhìn xa, tư duy đổi mới, sát thực tiễn, Trung ương đã và đang xem xét và đưa ra nhiều quyết sách mang tính cách mạng, đột phá, tạo nền tảng để phát triển đất nước trong Kỷ nguyên mới – với thời điểm bắt đầu được xác định là Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Theo chức năng và thẩm quyền, Quốc hội cũng đồng hành cùng Chính phủ thể chế hóa và triển khai để nhanh chóng đưa các chủ trương của Đảng vào cuộc sống, trước hết là tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 5/5 tới đây, sớm hơn nửa tháng so với thông lệ, chia làm hai đợt và dự kiến kéo dài tới 28/6/2025.

Đảng ủy Quốc hội đang chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Chương IX quy định về chính quyền địa phương, dự kiến bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, chính quyền địa phương chỉ tổ chức thành 2 cấp (gồm cấp tỉnh và cấp dưới cấp tỉnh). Một số luật liên quan cũng đang được rà soát sửa đổi, bổ sung để bảo đảm thống nhất, đồng bộ và có hiệu lực sớm để nhanh chóng triển khai trong thực tiễn.

Chính vì vậy, ngay tại văn bản triệu tập Kỳ họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến chương trình kỳ họp để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và xem xét, thông qua 13 dự án luật để tiếp tục phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Có thể kể đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số luật liên quan tổ chức TAND, VKSND, cơ quan điều tra hình sự cũng như tố tụng dân sự, hành chính, hình sự…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị bổ sung trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

“Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội tới đây có ý nghĩa quan trọng, mang tính lịch sử đối với đất nước” – Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh điều này khi yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp từ sớm, từ xa, chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền.

Bước tiếp theo của cách mạng tinh gọn bộ máy

Chỉ trong một thời gian ngắn, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tinh gọn bộ máy, sáp nhập nhiều đơn vị cũng như xây dựng các đề án tiếp tục sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã với tinh thần "nói là làm, "bàn làm không bàn lùi", “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”.

Theo định hướng, bộ máy tổ chức hành chính sau cơ cấu lại, gồm: cấp trung ương; cấp tỉnh, thành phố và cấp xã, phường. Dự kiến cả nước có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay; không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện; sáp nhập từ tổng số 10.035 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn khoảng 5.000 đơn vị (tức giảm hơn 50%, thấp hơn dự kiến ban đầu là giảm 70-75%).

Thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết, từ ngày 1/5, 63 tỉnh, thành phố sẽ gửi đề án sắp xếp đơn vị hành chính về Bộ Nội vụ để tổng hợp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cùng thời điểm. Dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30/6 và cấp tỉnh là trước 30/8 để đến ngày 1/7và 1/9/2025 các đơn vị hành chính vận hành theo mô hình mới.

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, trước mắt phải tập trung hoàn thiện thể chế. Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ Nội vụ đã đề xuất các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng sau khi giải thể cấp huyện thì chính quyền địa phương cấp xã ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay, sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện.

Điều đó đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương cấp xã sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn. Đồng thời, tổ chức bộ máy và chế độ chính sách đối với công chức, công vụ cũng phải được đổi mới để đảm bảo có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ mới.

Các thủ tục hành chính trước đây người dân, doanh nghiệp thực hiện ở cấp huyện, sắp tới sẽ chuyển về cấp xã. Các xã sẽ được tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Ngoài ra, sẽ có các quy định chuyển tiếp trong thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã mới sau khi giải thể cấp huyện, nhằm bảo đảm hoạt động liên thông, thông suốt, không để chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Đặc biệt, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong bối cảnh chúng ta vẫn quyết tâm tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, làm tiền đề cho kinh tế tăng trưởng hai chữ số từ 2026, đưa đất nước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Nguyên tắc đặt ra là tổ chức chính quyền địa phương tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, bảo đảm trách nhiệm giải trình gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Những công việc thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương phải do địa phương quyết định, địa phương tổ chức thực hiện và tự chịu trách nhiệm.

Chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập tỉnh là chủ trương lớn, tầm nhìn chiến lược, dài hạn, vì sự phát triển lâu dài và bền vững của đất nước. Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp không chỉ là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính, tinh gọn đầu mối mà còn là điều chỉnh không gian phát triển, tạo sức bật cho đất nước. Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy bước vào giai đoạn mới và hàng loạt vấn đề hệ trọng đang được đặt lên bàn nghị sự.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 của Tổng Bí thư Tô Lâm
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Hội nghị Trung ương 11 sẽ thảo luận 15 nội dung, tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính là sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng.
Nổi bật
Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Sáng 10/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị. Chủ tịch nước Lương Cường điều hành Phiên khai mạc.Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 sẽ thảo luận hàng loạt chủ trương lớn mang tính đột phá, bởi như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đứng trước thời điểm lịch sử, đất nước cần những quyết sách lịch sử.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII