Theo dõi trên

Khát vọng chiến khu xưa...

29/03/2023, 05:32

Qua nhiều biến cố thăng trầm, nhưng nhân dân xã Hòa Thắng vẫn một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kỳ vọng một tương lai tươi sáng.

Trọn niềm tin với Đảng

Giữa tháng 3 nắng như đổ lửa, tôi đến xã Hòa Thắng (Bắc Bình), thuộc khu căn cứ cách mạng Lê Hồng Phong trước đây, nay đã được quy hoạch nằm trong Khu du lịch quốc gia Mũi Né, để tìm hiểu về vùng đất đầy nắng gió. Vùng đất một thời khói lửa này có chiều dài 23km bờ biển trong tổng diện tích đất tự nhiên hơn 24.203 ha, địa hình đẹp với những đồi cát hình bát úp, uốn lượn thoai thoải dần ra biển Đông. Vùng đất căn cứ cách mạng một thời trọn niềm tin với Đảng khi có đến 600 liệt sĩ, 53 Mẹ Việt Nam anh hùng, 2 anh hùng lực lượng vũ trang, 5 cán bộ tiền khởi nghĩa, hàng trăm người bị địch bắt tra tấn tù đày, chưa kể hàng ngàn người trực tiếp tham gia kháng chiến.

screenshot_1680043057.png
Cuộc sống người dân Hòa Thắng hôm nay đã tốt hơn.

Những nhân chứng lịch sử giờ đây không còn nhiều, chỉ vài người như ông Nguyễn Văn Lô (50 năm tuổi Đảng) - nguyên Bí thư Đảng ủy xã qua nhiều nhiệm kỳ. Ở họ là một kho tư liệu lịch sử quý giá về một thời khói lửa, khi tài sản là chiếc ba lô trên lưng tham gia kháng chiến và trở về thời bình là cái cày, cây cuốc tăng gia sản xuất xây dựng và phát triển quê hương. “Thời đó Hòa Thắng nói riêng, cả tỉnh và đất nước nói chung rất khó khăn. Lúc ấy toàn xã chỉ có khoảng 700 hộ/3.872 khẩu, trong đó có hơn 60 đảng viên. Tất cả động viên nhau lấp hố bom, trồng cây lương thực như: khoai lang, bắp, bí đỏ, dưa, mè, đậu phộng để vừa có ăn, vừa có trao đổi những mặt hàng cần thiết phục vụ đời sống hàng ngày…”, ông Nguyễn Văn Lô còn khá minh mẫn nhớ lại.

Suốt thời gian dài, Đảng ủy xã đã nỗ lực lãnh đạo cụ thể hóa nhiều chủ trương chính sách, cơ chế mới của Trung ương, tỉnh, huyện để nâng cao đời sống cho nhân dân. Nhờ đó chỉ trong giai đoạn 2000 – 2010, tỷ lệ nhà xây, phương tiện nghe nhìn, đi lại ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 276 hộ vào năm 2000 còn 88 hộ năm 2010. Cùng với đó, tỉnh đầu tư tuyến đường ven biển từ Phan Thiết - Mũi Né - Hòa Thắng và nhiều tuyến khác kết nối liên vùng đã mở ra cho Hòa Thắng một “thế giới” mới. “Cuộc sống bây giờ tốt hơn rất nhiều so với trước kia. Nhìn lại chiều dài lịch sử, mới thấy rõ sự đổi thay và hơn ai hết chính người dân quê hương Hòa Thắng cảm nhận rõ điều đó”, ông Lô nói.

Trăn trở vì đất

Hôm nay, Hòa Thắng không đơn thuần là vùng đất căn cứ cách mạng mà còn là vùng đất trọng điểm du lịch của tỉnh. Toàn xã hiện có 1.962 hộ/7.464 nhân khẩu, trong đó có 190 đảng viên của xã. Họ vẫn hàng ngày ra sức lao động tăng gia sản xuất, cảm nhận được sự hạnh phúc đổi thay trên quê hương mình. Toàn xã có 90% số hộ sống bằng nghề đánh bắt hải sản trên biển, chăn nuôi, trồng trọt truyền thống. Những năm qua do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, cuộc sống bấp bênh, nhiều người đã bỏ nghề, bán đất. Ông Lê Thanh Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng trăn trở, diện tích đất nông nghiệp giảm nhiều so với trước đây do canh tác mang lại hiệu quả không cao, nhiều hộ chuyển sang trồng keo lá tràm, cây lâu năm, thậm chí để trống đất, bán đất.

dsc_6241.jpg
Kỳ vọng Hòa Thắng có nhiều sản phẩm du lịch trong tương lai, để cải thiện hơn nữa cuộc sống của người dân.

Số người bán đất khá nhiều, nhất là trong “cơn bão” sốt đất cách đây 3 năm. Việc bán ồ ạt đất đai – tư liệu sản xuất quan trọng đã để lại nhiều hệ lụy. “Sau khi bán đất có hộ biết làm chủ được đồng tiền, đầu tư sinh lợi, nhưng có hộ xây nhà, mua sắm, tiêu xài...”, bà Ngô Thị Tâm - Trưởng thôn Hồng Chính chia sẻ. Điều này rất đúng với những gì tôi ghi nhận thực tế ở thôn Hồng Chính. Nhiều hộ bán đất giờ đã trắng tay và nguy cơ trở lại nghèo đói, chỉ có số ít bán đất rồi lại đầu cơ đất kiếm lời. Không còn đất sản xuất, đồng nghĩa không có việc để làm cải thiện thu nhập. “Sống bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt, nhưng nhiều gia đình bán đất dẫn đến, thiếu đất sản xuất, mất cơ hội việc làm. Nhất là chị em phụ nữ, bây giờ ngoài phụ chồng đi biển, phụ hồ, phụ quán ăn thì ai thuê gì làm nấy cuộc sống bấp bênh”, bà Tâm nói thêm.

“Cơn bão” sốt đất ấy đã đẩy giá trị đất lên cao, nhiều người bán đất rồi bây giờ thấy tiếc. Không ít người trong số đó đã nhận ra mình sai lầm, nhưng đã quá muộn. Bây giờ họ xem đó là bài học kinh nghiệm quý giá.

Kỳ vọng du lịch

Với diện tích đất tự nhiên rộng lớn hoang sơ, nghiêng mình bên biển xanh mênh mông, cùng với điểm nhấn du lịch là Bàu Trắng và đồi cát Trinh Nữ huyền ảo. Đặt chân đến đây, du khách không chỉ được ngắm biển, hồ mà còn chinh phục đồi cát. Nhưng chỉ với những sản phẩm du lịch ấy thì chưa đủ và chưa thể khai thác hết tiềm năng lợi thế du lịch nơi đây. Hòa Thắng cần phải có thêm sản phẩm du lịch khác như lễ chùa, thăm di tích lịch sử, đặc biệt là ngắm thảo nguyên xanh với các trang trại chăn nuôi, trồng trọt…dưới chân các cột điện gió.

screenshot_1680043149.png

Lối đi ấy là tốt nhất cho Hòa Thắng mà tôi cũng như Lê Thanh Chung, ông Nguyễn Văn Lô và nhân dân Hòa Thắng nói chung mong mỏi, kỳ vọng đặt niềm tin. Làm được vậy, Hòa Thắng mới là điểm đến độc đáo của nhiều du khách đến Bình Thuận, bên cạnh TP. Phan Thiết, Hàm Tiến – Mũi Né, nơi có quá nhiều dịch vụ khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ, khách sạn cao tầng. Để qua đó góp phần đa dạng sản phẩm du lịch phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.

Bí thư Đảng ủy xã Võ Tiến Trung chia sẻ, Hòa Thắng có nhiều tiềm năng lợi thế du lịch, do đó Đảng bộ xã xác định phát triển du lịch xanh là phù hợp. Đây cũng là chủ trương của tỉnh, huyện, nhưng hiện còn vướng mắc, khi nhiều dự án du lịch trên địa bàn xã chưa triển khai... Đảng bộ xã tiếp tục kiến nghị các cấp, ngành sớm đẩy nhanh các dự án đã được phê duyệt ở địa phương, tháo gỡ những vướng mắc trong quy hoạch giữa phát triển du lịch với các lĩnh vực khác, đồng thời sẽ tăng cường quảng bá hình ảnh điểm đến trên địa bàn xã để tiếp tục thu hút du khách, nhà đầu tư tiềm năng.

Chia tay Hòa Thắng hoang sơ, yên bình, tôi mong rằng một ngày không xa, Hòa Thắng sẽ vươn mình phát triển du lịch đúng hướng với tiềm năng và lợi thế của mình, để góp phần cải thiện đời sống nhân dân trên quê hương chiến khu xưa.

GHI CHÉP: NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đồn Biên phòng Hòa Thắng: 
Tặng “Tủ sách pháp luật” cho người dân vùng ven biển
BTO - Hưởng ứng 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đồn Biên phòng Hòa Thắng vừa trao tặng 2 “Tủ sách pháp luật” cho người dân thôn Hồng Chính và Hồng Thắng, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khát vọng chiến khu xưa...