Theo dõi trên

Khi dòng họ tự quản về an ninh trật tự

01/12/2023, 05:05

.

“Các con cháu trong dòng tộc đều chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy truyền thống gia tộc, phụng thờ tổ tiên; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ; có mối quan hệ tốt với xóm làng; chăm lo, bồi dưỡng cho các thế hệ mai sau”, Sư cả Thường Xuân Hữu - Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn tỉnh Bình Thuận đồng thời là trưởng tộc họ Thường Xuân Hữu ở xã Phú Lạc mở đầu câu chuyện khi nói về mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự (ANTT)” trên địa bàn xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong.

an-ninh-1-.jpg

Chuyển biến tích cực

Khác với trước đây, Phú Lạc (huyện Tuy Phong) đã trở thành một vùng quê yên bình mà nhiều người muốn ghé thăm. Đến đấy để cảm nhận được sự mến khách và tính cần cù, chí thú làm ăn của người dân nơi này. Đáng chú ý, họ cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự xóm làng, trong đó các vị sư cả, chức sắc ở những họ tộc luôn gương mẫu, khuyên bảo con cháu sống đoàn kết, hòa thuận.

Họ tộc Thường Xuân Hữu là 1 trong 20 họ tộc trên địa bàn xã Phú Lạc (huyện Tuy Phong). Những năm qua, bằng truyền thống của mình, họ tộc này đã giáo dục, động viên con cháu gương mẫu chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Sư cả Thường Xuân Hữu, trưởng tộc cho biết, hiện họ tộc Thường Xuân Hữu không có người mắc tệ nạn xã hội, các trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn trong họ tộc đều không xảy ra. Đặc biệt nhiều con cháu trong họ tộc này đã thành đạt ở các nơi và đang ra sức thi đua phát triển kinh tế ngay trên quê hương. Có được kết quả này, theo Sư cả Thường Xuân Hữu, hằng năm, vào các ngày lễ quan trọng của địa phương và của đồng bào dân tộc Chăm như lễ hội Katê, lễ hội Cầu an đầu năm… con cháu họ tộc Thường Xuân Hữu quây quần đoàn tụ bên nhau ôn lại truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, ông bà để học tập và làm theo. Qua đó, họ tộc Thường Xuân Hữu đã động viên con cháu thi đua học tập, lập thân, lập nghiệp và tham gia tự quản về ANTT. “Chúng tôi luôn nhắc nhở và răn dạy con cháu chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tránh xa các tệ nạn xã hội, không nghiện ma túy, không chơi cờ bạc; không bạo lực gia đình; không tảo hôn... Nếu qua theo dõi phát hiện thấy các con cháu trong dòng họ có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi đều đưa ra trước bà con nội tộc và yêu cầu sửa chữa ngay”, Sư cả Thường Xuân Hữu chia sẻ thêm. Cũng chính vì đạt được những kết quả đáng ghi nhận mà dòng họ Thường Xuân Hữu đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành công an tặng nhiều giấy khen vì những thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo ANTT tại địa phương.

UBND xã Phú Lạc cho biết, địa phương có 9.077 khẩu, sinh sống ở 3 thôn Phú Điền, Lạc Trị và Vĩnh Hanh, trong đó phần lớn là dân tộc Chăm. Trên địa bàn xã có 20 họ tộc, trong đó ở thôn Lạc Trị có 15 họ tộc và Vĩnh Hanh là 5 họ tộc. Mô hình “Họ tộc tự quản về ANTT” của xã Phú Lạc được Đảng ủy, UBND xã Phú Lạc và Công an huyện Tuy Phong phối hợp triển khai, xây dựng vào năm 2014. Qua gần 10 năm thực hiện mô hình nhân dân trong các thôn của xã Phú Lạc nói riêng đã có ý thức về công tác giữ gìn ANTT, nâng cao tinh thần tự quản, cảnh giác, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Các gia đình đều quan tâm, giáo dục con em của mình giữ gìn đạo đức và truyền thống của gia đình, dòng họ; động viên con cháu tích cực học tập, nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật, đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nên đời sống kinh tế của từng gia đình trong dòng họ có nhiều khởi sắc. Các gia đình tham gia ngày càng sôi nổi các phong trào của địa phương. Theo Thượng tá Ngô Minh Xuân – Phó Trưởng Công an huyện Tuy Phong: “Việc duy trì xây dựng mô hình “Họ tộc tự quản về an ninh trật tự” tại xã Phú Lạc đã tạo được chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức và nhân dân trong công tác giữ gìn ANTT. Khi có được sự đồng hành, ủng hộ của người có uy tín trong các họ tộc, việc triển khai các nội dung của phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ và bảo đảm ANTT ở địa phương cũng có nhiều lợi thế hơn".

an-ninh-2-.jpg

Đổi thay một vùng quê

Hôm nay xã Phú Lạc đã khoác lên mình chiếc áo mới, với nhiều sự đổi thay. Những ngôi nhà khang trang với kiểu xây dựng kiến trúc mới và đẹp ngày càng mọc lên nhiều hơn. Các con đường bê tông sạch sẽ chạy dài trong từng ngõ xóm… Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được phát huy, đảm bảo an ninh – trật tự. Kết quả trên có vai trò không nhỏ của mô hình “Họ tộc tự quản về ANTT” của xã Phú Lạc trong công tác vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ Quốc.

Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, xã Phú Lạc đã huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới hơn 165,3 tỷ đồng, tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay xã đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Các tiêu chí về giao thông, văn hóa, trường học, y tế, thôn, chợ, nhà ở, nước sạch, môi trường, hợp tác xã… đều đạt tốt. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng qua từng năm, đến nay được 44,3 triệu đồng/ người; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,9%, thấp hơn mức quy định. Chính quyền địa phương cho rằng, Phú Lạc đã biết dựa vào nội lực, mà điểm nhấn là có sự góp sức của những người có uy tín trong cộng đồng, trong các họ tộc. Họ đã không ngừng tuyên truyền, vận động bà con yên tâm ra sức làm ăn và cùng chung tay, góp sức với chính quyền địa phương xây dựng nhiều công trình dân sinh, kinh tế-xã hội phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn.

Hiệu quả hoạt động của mô hình “Họ tộc tự quản về ANTT” đã và đang tạo động lực thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn xã Phú Lạc nói riêng và huyện Tuy Phong nói chung ngày càng tốt hơn. Mô hình đã ít nhiều góp phần chuyển tải phổ biến thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các phong trào của địa phương, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, quy ước thôn. Và trong đó họ tộc là nhân tố tiêu biểu là lực lượng nòng cốt, là tổ chức tin cậy khi giao nhiệm vụ, cũng như nắm bắt dư luận xã hội, phản ánh, đề xuất, kiến nghị cho Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên, sẵn sàng khi được huy động và trực tiếp tham gia giải quyết các điểm nóng và hòa giải cơ sở tại địa phương.

Thời gian đến, Phú Lạc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức một số cuộc họp trực tiếp của từng họ tộc mình quản lý, định kỳ 3 tháng 1 lần, mời đại diện hộ gia đình, thành viên họ tộc dự, nội dung sinh hoạt chủ động của tộc trưởng, tộc phó có sự hướng dẫn giúp đỡ cung cấp thông tin về ANTT do Công an xã và BĐH thôn và sự phối hợp của các chi hội đoàn thể thôn để thực hiện. Đồng thời sẽ không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, vị trí người đứng đầu họ tộc gương mẫu, uy tín trong chỉ đạo điều hành của mỗi họ tộc thật sự phải có chất lượng một số vụ và một số việc cụ thể, giảm thiểu hoạt động chung chung và hình thức.

THANH NHÀN


(0) Bình luận
Bài liên quan

Xem giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên
BTO-Đó là yêu cầu của đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại hội nghị trực tuyến với các huyện, thị, thành ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (gọi Quyết định 217) diễn ra vào sáng 29/11.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi dòng họ tự quản về an ninh trật tự