Theo dõi trên

Khi người mù "giữ lửa" gia đình

01/12/2022, 05:56

Cuộc sống gia đình của họ cũng như bao người bình thường khác, nhưng vấn đề bạo lực gia đình ít xảy ra, bởi họ biết nhẫn nhịn vì nhau.

20221125_115542.jpg
Bạo lực gia đình trong cuộc sống người mù không ồn ào như gia đình bình thường.

Cuộc sống khó khăn

Khiếm thị hay còn gọi là mù là tình trạng có thể xảу ra do bẩm sinh, sinh lý hay thần kinh suу yếu. Người mù là người khuуết tật và rất khó có thể sống, sinh hoạt như người bình thường. Khi không có khái niệm về hình ảnh, màu sắc, ánh sáng, hình khối... thì họ gần như vô thức với thế giới xung quanh.

Theo Hội Người mù tỉnh, hiện toàn Hội có hơn 1.500 người mù, trong đó nữ giới có hơn 850 người, khoảng 70% đã lập gia đình. Phần lớn là lớn tuổi, nghĩa là những người có gia đình khi lớn tuổi mới phát bệnh về mắt dẫn đến mù lòa, còn lại là bẩm sinh hoặc bị mù khi còn trẻ do tai nạn giao thông, bệnh tật… Trong bài viết này chúng tôi không đề cập đến người mù lớn tuổi mà chủ yếu người mù bẩm sinh hoặc mù khi còn trẻ, đã có gia đình. Ông Trần Cương Thanh Giang - Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Trong Hội phần lớn là người già, cũng có người trẻ, đa phần đã có gia đình và làm mẹ đơn thân. Cuộc sống của họ khó khăn, ngoài những người làm mẹ đơn thân phải gửi con cái cho nội ngoại… thì những người lập gia đình cũng thiếu trước hụt sau, nhưng vẫn hạnh phúc bên chồng con.

Vấn đề bạo lực gia đình đối với họ cũng có xảy ra, nhưng tính chất, mức độ thường không bằng như gia đình bình thường khác. Bởi họ biết nhẫn nhịn vì nhau, vì gia đình nhỏ bé liên quan đến sự đồng cảm. Trong đó, một bên vợ hoặc chồng bị mù, hoặc cả hai vợ chồng bị mù biết kiềm chế trước những xung đột khi nghĩ mình đang sống nhờ vào sự giúp đỡ của người mắt sáng nên không cho phép mình nóng giận mà nhẫn nhịn.

Biết nhẫn nhịn vì nhau

Nhiều người mù, nhất là chị em phụ nữ chia sẻ, họ có cuộc sống khó khăn liên quan cơm áo gạo tiền, sinh ra lục đục trong gia đình, nhưng đều vượt qua. Chị Lê Thị Bụt (54 tuổi) – Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Tuy Phong, người bị mù lúc 35 tuổi vì bị cườm nước khi con gái út trong số 4 đứa con của chị vào lớp 1. Giữa lúc các con đang tuổi ăn học, mọi thứ trông chờ vào những chuyến ra khơi của chồng. Nghề biển bấp bênh, có những lúc chồng chị cảm thấy quá sức lo cho gia đình nên gắt gỏng chị. “Khi ông ấy nóng giận, phàn nàn kêu ca, mình thường nhịn và lựa lời động viên, để ông ấy hiểu rằng, mình đâu có muốn mù lòa để “ăn bám” chồng, con. Đến nay cuộc sống cũng khá hơn, con gái đã lớn, học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định, lập gia đình…”, chị Bụt nhớ lại những năm tháng khó khăn nhất, phải làm đủ nghề có thể để phụ chồng và con - những người khi ấy muốn bỏ học giữa chừng và đuối sức lo cho gia đình.

Với chị Lê Thị Hà (48 tuổi), Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Hàm Tân bị mù bẩm sinh thì hạnh phúc hơn. Chị lớn lên trong gia đình có 2 chị em đều mù bẩm sinh. Năm 1993, chị quen và yêu người chồng hiện tại lành lặn và rồi 2 con lần lượt ra đời. Chúng đều mắt sáng thông minh, xinh đẹp, cả 2 hiện đã tốt nghiệp đại học, ra trường có việc làm, lập gia đình ổn định. “Anh ấy biết mình bị tật nguyền và chấp nhận lấy mình nên cũng yêu thương mình, hầu như chưa khi nào nói nặng nhẹ hoặc đánh đập mình. Thời điểm vào thập niên 90, cuộc sống khó khăn, những người tàn tật không có chế độ, cũng như không được chăm lo như bây giờ, anh ấy không kêu ca phàn nàn, chịu khó làm lụng, ai kêu gì làm nấy lo cho gia đình. Hàng xóm ai cũng khen anh ấy…”, chị Hà thổ lộ trong niềm hạnh phúc.

Ngoài những người có cuộc sống gia đình hạnh phúc, còn nhiều chị em làm mẹ đơn thân khó khăn cũng được gia đình thương yêu giúp đỡ. Ông Trần Cương Thanh Giang cho biết, qua tiếp xúc với những người có vợ hoặc chồng bị mù, hoặc cả 2 vợ chồng đều mù, họ có cuộc sống hạnh phúc, hầu như ít có xảy ra bạo lực gia đình. Cuộc sống của họ khó khăn nhưng họ biết thương yêu, chia sẻ cho nhau. Phần lớn các hội viên đều được tiếp cận công nghệ thông tin với phương tiện hiện đại dành cho người mù nên cũng hiểu việc bạo lực gia đình là hành vi lên án.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hội Người mù tỉnh: Tặng 200 suất quà cho người mù có hoàn cảnh khó khăn
BT- Ngày 19/7, Hội Người mù tỉnh cùng với đoàn thiện nguyện do ca sĩ Hồ Lệ Thu làm trưởng đoàn đã tổ chức thăm và tặng quà cho 200 hội viên người mù có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Đợt này, đoàn đã đến huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Tân, hội viên Hội Người mù tại 2 huyện cảm thấy phấn khởi vì được giao lưu với ca sĩ Hồ Lệ Thu. Bên cạnh đó, mỗi hội viên được nhận 1 suất quà gồm gạo, xì dầu, bột ngọt, hạt nêm…trị giá 200.000 đồng, kèm theo 100.000 đồng tiền mặt. Tổng giá trị 60 triệu đồng từ nguồn tài trợ của ca sĩ Hồ Lệ Thu và các nhà hảo tâm Việt kiều Mỹ.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi người mù "giữ lửa" gia đình