Theo dõi trên

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ ở Hội Người mù

09/09/2022, 05:49

Khó tìm nhân sự để quy hoạch theo quy định, cơ sở vật chất xuống cấp. Đó là bài toán khó mà Hội Người mù tỉnh đang loay hoay tìm lời giải.

Quan tâm chăm lo

Hội Người mù là 1 trong 14 tổ chức hội trên địa bàn toàn tỉnh, thành lập vào năm 2002. Qua 20 năm hình thành và phát triển, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành, đoàn thể... đến nay Hội có 101 chi hội ở các huyện, thị xã và thành phố với 1.246 hội viên/1.513 người mù hay còn gọi người khiếm thị. Ông Nguyễn Ngọc Hường, 70 tuổi - Chủ tịch Hội Người mù, người giữ chức vụ này suốt nhiều năm qua cho biết: “Hội Người mù có cơ cấu tổ chức tương tự như các hội khác, nhưng hoạt động khó khăn hơn vì không nhìn được trời, đất, không biết quê hương mình thay đổi đến đâu. Đối tượng mù trong Hội đa dạng, như mù do tai nạn giao thông, già yếu, bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ. Ngoài hoạt động dạy chữ, dạy nghề thì chúng tôi vận động từ thiện thêm để chăm lo đời sống cho hội viên”, ông Hường nói thêm.

data-news-2021-2-134856-tang501.jpg
Phần lớn người mù là người già

Với điều kiện cuộc sống khó khăn không thể tự lo cho bản thân, hoặc kiếm được việc làm, chưa kể tự ti mặc cảm với chính mình... Tuy nhiên với sự quan tâm của cấp, ngành với nỗ lực các cấp Hội đến nay cuộc sống của người mù đã được nâng cao. Hầu hết người mù được tiếp cận với pháp luật qua những lớp tập huấn tuyên truyền về pháp luật; học văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục dành riêng người khiếm thị; hướng nghiệp dạy nghề tạo việc làm trong khả năng như xoa bóp – bấm huyệt cổ truyền, làm nhang, chổi đót, đan lát, xâu chuỗi trang sức... Theo Hội, hiện Hội có cơ sở xoa bóp - xông hơi thường xuyên tạo việc làm có thu nhập ổn định cho 23 hội viên với mức thu nhập bình quân 3,8 triệu đồng/hội viên. Doanh thu từ hoạt động của cơ sở, 6 tháng đầu năm nay ước đạt 830 triệu đồng, tăng hơn 80 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, hội viên còn được vay vốn cải thiện cuộc sống gia đình. Ông Hường nói: “Vay vốn là một trong những chương trình tạo việc làm mang lại thu nhập cho hội viên và gia đình người khiếm thị. Hiện Hội đã và đang quản lý hiệu quả 1,1 tỷ đồng, tổng số vốn xoay vòng từ khi quản lý đến nay gần 5,7 tỷ đồng với 720 hội viên vay và 218 dự án vay. Vay được vốn nhiều hội viên và gia đình đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, có thu nhập ổn định, giảm nghèo. Chương trình cho vay vốn Quỹ Quốc gia là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất, tác động mạnh mẽ đến việc xóa đói, giảm nghèo trong toàn hội”.

Còn nhiều khó khăn

Đến nay, người khiếm thị không một ai phải đi ăn xin, với những gì làm được, Hội Người mù đã nhận được nhiều bằng khen và giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động TB&XH, Hội Người mù Việt Nam, UBND tỉnh... Tuy vậy, cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sự giúp đỡ từ các cấp, ngành để duy trì Hội hoạt động vững mạnh. “Tiêu chí của hội không bao giờ phát triển thêm hội viên mới, chỉ tập trung làm sao để duy trì hội hoạt động vững. Không để người mù ở bên ngoài Hội, nếu phát hiện phát sinh người mù thì tìm cách đưa họ vào hội và cho đi học chữ, học nghề, tạo việc làm và hưởng các chế độ khuyết tật, BHXH... Qua khảo sát, những năm gần đây người mù giảm đi rõ rệt do mất vì tuổi già hoặc đau bệnh qua đời. Phần đông người mù trên toàn tỉnh là người cao tuổi; người mù bẩm sinh giảm vì bây giờ khoa học phát triển”, ông Hường chia sẻ.

Ông cũng cho biết, cái lo ngại nhất hiện nay, ông đã lớn tuổi, nếu có gắn bó với Hội thì cũng chỉ thêm một nhiệm kỳ, Hội đang tìm người kế cận. Nhưng trong Hội toàn là người có trình độ thấp, theo quy định Chủ tịch Hội Người mù phải là người mù, đảng viên có trình độ, nên rất khó. Hoặc nếu có người đạt đủ tiêu chí thì họ không muốn làm vì đi lại khó khăn, trụ sở Hội xuống cấp, không có nhà tập thể để ở. So với các hội khác phần lớn hội viên nghỉ hưu là đảng viên có trình độ, dễ dàng quy hoạch nhân sự vào ban chấp hành Hội...

Trước khó khăn, vướng mắc cũng như trăn trở đầy trách nhiệm của Chủ tịch Hội Người mù, tại Hội thảo kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992 – 1/4/2022), ông Nguyễn Đình Kiên – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, đồng thời Trưởng Khối thi đua 8, nơi tập trung các tổ chức hội cho biết, thời gian qua chúng tôi cũng đồng hành cùng với Hội Người mù tuyên truyền pháp luật cho người mù, đi thăm hỏi những dịp lễ, tết. Những trăn trở của Hội Người mù là xác đáng, chúng tôi sẽ ghi nhận và kiến nghị đến các cấp, ngành quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tặng quà cho trẻ em mù và con của hội viên người mù
BTO - Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, Hội Người mù huyện Tánh Linh vừa phối hợp với Đoàn từ thiện tình thương phường Mũi Né, TP. Phan Thiết trao tặng 30 phần quà cho trẻ em mù và trẻ em là con hội viên người mù nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn .
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ ở Hội Người mù