Thời điểm này, học sinh các cấp đang bước vào giai đoạn “nước rút” của năm học. Kỳ thi quan trọng nhất năm, đánh giá kết quả học tập sau 9 tháng dùi mài kinh sử. Những buổi ôn tập, những đề thi, bài thi cuốn lấy bọn trẻ khiến đứa nào nhìn cũng căng thẳng, mệt mỏi. Ngay cả thời gian thư giãn, đi chơi cũng phải lên lịch trước cả tuần. Càng lên cấp học cao hơn, lượng bài vở, kiến thức càng nhiều. Với cô bé năm nay đã lớp 12, đang ở ngưỡng cửa vô cùng quan trọng khi chuẩn bị trải qua những kỳ thi quan trọng, rồi việc chọn ngành, chọn nghề có tính quyết định đến tương lai sau này.
Con gái là niềm tự hào của anh chị với thành tích học tập luôn vượt trội ở lớp. Vì thế từ năm học lớp 11, khi nói về việc chọn ngành học, chị mong con nối tiếp nghề sư phạm ngoại ngữ truyền thống của gia đình. Nhưng con bé lại không tự tin và chỉ muốn theo học ngành truyền thông. Tin rằng đó chỉ là cảm xúc nhất thời, sự quan tâm theo số đông bạn bè nên anh chị không để tâm. Cho đến khi quyết định chọn ngành, con bé vẫn kiên quyết với lựa chọn của mình thì lòng chị bắt đầu rối ren, đi tìm đồng minh khuyên bảo con.
Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đã được ban tặng những đặc điểm riêng về tính cách, khả năng, điều này tạo nên sự riêng biệt không giống người khác. Sự kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái có thể là nguồn động lực mạnh mẽ, đánh thức tiềm năng vô tận trong tâm hồn của trẻ nhưng cũng có thể trở thành áp lực đè nặng trên hành trình trưởng thành của con. Thực tế, vài năm trở lại đây, nhiều trường hợp trẻ bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý do được kỳ vọng quá mức. Một câu hỏi muôn thuở mà người lớn khi gặp thường là “Con có đạt học sinh giỏi không”, “Con đang học trường gì”. Khiến các em và cả cha mẹ chúng luôn phải chạy đua về điểm số, ngôi trường top đầu nếu không sẽ bị coi kém cỏi.
Nuôi con đã khó, để dạy dỗ con còn khó hơn gấp nhiều lần. Làm cha mẹ, ai cũng yêu thương con, nhưng để yêu thương con đúng cách thì bản năng làm mẹ thôi chưa đủ.
Nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, cô Huỳnh Thị Thu Vân – giáo viên Trường THPT Phan Chu Trinh cho biết: Không chỉ riêng học sinh ở cấp học nhỏ mà nhiều em ở bậc trung học phổ thông, tuy đã 17, 18 tuổi - lớn về thể xác nhưng vẫn là một “đứa trẻ” non nớt, dễ tổn thương. Trong cuộc sống khi gặp những chuyện không vui, không như ý, các em dễ hụt hẫng tinh thần, chán nản, thậm chí suy nghĩ tiêu cực. Do đó, ở trên lớp, thầy cô vừa là người truyền thụ kiến thức nhưng cũng phải sắm vai bác sĩ tâm lý để gần gũi, tâm sự, trấn an các em khi có các dấu hiệu bất thường. Bởi thế, phụ huynh cũng cần đánh giá lại bản thân để kịp thời điều chỉnh. Khi thấu hiểu được con, phụ huynh sẽ tìm ra cách hỗ trợ con tốt nhất. Đơn giản là nhận biết khả năng con ở mức nào để thường xuyên trò chuyện, động viên, dạy con biết tự lập, hãy bỏ qua và chấp nhận những sai lầm, tránh đặt ra những kỳ vọng quá cao, không phù hợp với thực tế. Từ đó giúp các con tự tin, yêu thích việc học hơn, khám phá được những điểm mạnh của bản thân và xây dựng mối quan hệ gắn kết trong gia đình.