Lương thực, thực phẩm đồng loạt tăng giá
Giá xăng dầu tăng sau tết khiến lương thực, thực phẩm vẫn neo ở giá cao, nhất là mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, dịch vụ ăn uống…
Nhiều mặt hàng còn “giá tết”
Ghi nhận tại chợ Phú Thủy, chợ Phường…(TP. Phan Thiết) những ngày gần đây, giá cả một số mặt hàng vẫn ở mức cao, từ gạo, đường, dầu ăn, gia vị… đến thực phẩm tươi sống, nhất là rau, củ, quả… Nhiều tiểu thương cho biết, sau tết một số loại rau xanh, củ, quả chưa đến lứa thu hoạch do người trồng dồn bán tết hoặc nhập về chưa ổn định nên có xu hướng tăng khoảng 5 – 10% như cà chua khoảng 30.000 đồng/kg, dưa leo 20.000 – 25.000 đồng/kg… Đặc biệt, những loại rau, củ, quả nhập từ Đà Lạt như khoai tây, cà rốt, dền, bắp cải… tăng khá mạnh từ 10 – 20%.
Tại khu vực chợ hải sản, nhiều loại cá, mực, tôm cũng nhích giá so với trước tết. Chị Nguyễn Thu Lan bán hải sản trong chợ Phú Thủy cho biết: “Xăng dầu lên giá, nên sau tết ít tàu thuyền vươn khơi vì sợ lỗ, giá hải sản cũng phải tăng nhẹ, mực lá trước đây chỉ khoảng 200.000 đồng/kg, nay phải bán 250.000 – 300.000 đồng/kg, ghẹ từ 300.000 – 350.000 đồng/kg nay cũng tăng 400.000 – 450.000 đồng/kg. Hầu hết các loại cá đều tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg”.
Với đà tăng của xăng dầu từ tháng 11 năm ngoái, nhiều mặt hàng đã “té nước theo mưa” từ trước tết. Sau tết với đợt xăng, dầu tăng giá mới, khiến giá nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến cước vận tải… đều tăng mạnh khiến giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đồng loạt tăng. Vì thế, dù đã qua Tết Nguyên đán 2 tuần nhưng nhiều mặt hàng vẫn neo “giá tết” khiến người tiêu dùng lo lắng, sợ phải “thắt lưng buộc bụng” khi vừa trải qua mùa dịch đầy khó khăn.
Dịch vụ ăn uống tăng mạnh
Ghi nhận tại một số nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố Phan Thiết, những ngày tết vừa qua hầu hết các điểm ăn uống đều tính phụ thu trên mỗi món ăn, thức uống, có nơi tính 5.000 – 10.000 đồng/món, có nơi tính phụ thu 10 – 30%/tổng hóa đơn. Chị Phương Ngân (phường Phú Thủy) chia sẻ: “Phụ thu dịp tết được người tiêu dùng chấp nhận vì chi phí nguyên liệu những ngày cận tết tăng cao do khan hiếm nguồn cung cũng như phí trả lương nhân viên nhân gấp ba so ngày thường. Tuy nhiên, đến nay đã 2 tuần sau những ngày nghỉ tết, nhiều nơi vẫn giữ “giá tết” và được giải thích rằng giá nguyên liệu nhập vào vẫn chưa hạ nhiệt”. Chủ các nhà hàng, quán ăn cho biết, đầu năm hầu hết các mặt hàng đều tăng giá do xăng dầu tăng cao, nên chúng tôi chưa thể quay về giá cũ, dù rất muốn đưa đơn giá trở lại bình thường, tránh trường hợp giữ “giá tết” quá lâu sẽ mất khách. Nếu quán nào đã trở về giá cũ thì phải bớt phần ăn mới không bù lỗ. Một số quán phở gà, bò bình dân ở nhiều tuyến phố trong năm chỉ bán 30.000 đồng/tô thì từ ngày 30 tết đến nay đã nâng giá lên 35.000 – 40.000 đồng/tô và sẽ giữ giá trong năm 2022. Theo giải thích của các chủ quán ăn, nguyên nhân tăng giá là do đầu năm mới giá thực phẩm và rau xanh đều tăng mạnh so với trước tết. “Thịt bò đã tăng từ 250.000 - 280.000 đồng/kg lên 350.000 - 400.000 đồng/kg, nên chúng tôi phải tăng giá bán”, chủ một quán phở trên đường Hùng Vương chia sẻ thêm. Người dân lo lắng với đà giá cả “leo thang” như hiện nay, người có thu nhập thấp và trung bình sẽ gặp muôn vàn khó khăn.
Do đó, ngành chức năng cần có phương án bình ổn giá xăng dầu, góp phần kiềm chế tình trạng tăng giá của hàng loạt ngành nghề liên quan.