Theo dõi trên

Khó trăm bề

25/03/2022, 05:34

Một chị bạn than thở: Làm phụ huynh mùa dịch sao khó quá chừng. Tôi đùa: Lại sợ con đi học lây Covid-19 à, ở nhà nguy cơ lây cũng ngang ngửa đi học thì có gì đâu mà sợ. Không - chị buồn buồn - Covid-19 thì không còn sợ như hồi trước nữa, có điều mệt mỏi nhiều chuyện lắm em ơi…

hoc-sinh.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Chẳng là nhà chị có hai cô con gái, đứa lớn mới lên lớp 1, đứa nhỏ mới vào mẫu giáo. Từ hồi sau tết khi có công văn cho trẻ đến trường học trực tiếp tới giờ vợ chồng chị đuối với hai đứa luôn. Đứa lớn học cả ngày mà không tổ chức ăn bán trú nên phải đưa đi đón về ngày 4 bận, đã vậy giờ giấc học mỗi ngày mỗi khác, có khi sáng học 2 tiết 8h30 đã về, có bữa chiều học 3 tiết 3h30 đã về, giờ giấc như vậy thì sao mà đưa đón được. Chị đành phải xin phép chạy ra đón con chứ biết làm sao. Một lần thì không nói, cả tháng trời như vậy, đồng nghiệp nói ra nói vào tới tai sếp, chị bị mời lên phòng họp uống nước trà. Sếp bảo đành rằng thông cảm cho chị nhà neo người nhưng công ty có nội quy của công ty không thể muốn sao cũng được, yêu cầu chị phải sắp xếp chuyện gia đình cho ổn thỏa không để ảnh hưởng công việc nếu không đành phải trừ lương hoặc cắt hợp đồng với chị.

Vậy đã hết đâu, còn đứa nhỏ học một buổi, sáng sớm lật đật dậy sớm đút ăn rồi đưa lên trường, trưa chồng chị lật đật chạy về đón vì 10h30 là tan học rồi. Chưa kể buổi chiều không ai trông con, anh phải đem con lên cơ quan trông. Đàn ông đâu chịu khó như đàn bà, đưa đón được dăm bữa anh nổi cộc gây gổ, thế là đành tìm chỗ gửi tư.

Nghe chị tâm sự vậy tôi cũng chẳng thể nghĩ ra cách giải quyết gì cho ổn thỏa. Chị lại tiếp, giọng nghe chán nản thật sự: Còn nữa, chưa hết đâu. Hai ngày nay vì xã lên cấp độ dịch nên con gái lớn chị phải ở nhà học online. Sáng sớm lo ăn uống xong chị mở máy sẵn cho con học, trưa lật đật chạy về cơm nước. Nhốt con ở nhà một mình đi làm thiệt không yên tâm chút nào, vừa lo con nghịch ngợm điện ga lỡ có tai nạn, vừa sợ có người xấu tới dụ dỗ, lại lo con vào lên mạng chơi game hay coi web đen thì khổ. Thế là lâu lâu phải gọi zalo về kiểm tra con.

Tôi đưa giải pháp hay anh chị thuê người giúp việc vừa trông bé nhỏ vừa trông bé lớn học hành. Chị cười buồn tiền bạc đâu mà thuê hả em, lương hai vợ chồng chỉ đủ lo ăn uống, sữa, cho hai con, xăng cộ đi làm, dư được một ít phải dành dụm phòng khi ốm đau, con cái nhỏ mà hay bệnh vặt lắm em. Giờ mà một người nghỉ việc thì lương một người không đủ chi tiêu, chưa kể chị cũng lớn tuổi rồi, nghỉ thì mai mốt muốn xin đi làm lại khó khăn lắm. Đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn tìm việc mới đâu phải dễ. Vậy chị định tính làm sao, tôi hỏi. Chị chưa biết tính sao hết, cho tụi nhỏ đến trường, chấp nhận sống chung với dịch thì trở về bình thường luôn, học và ăn bán trú chứ kiểu học hai buổi, về thiệt sớm thì làm khó phụ huynh quá chừng. Còn học online cũng mệt vì không ai giám sát, coi ngó. Phải chi cho học online buổi tối như trước tết cũng đỡ khổ. Làm phụ huynh mùa dịch dã này đúng là vừa khó vừa khổ thiệt!

Tôi cũng chẳng biết phải an ủi chị thế nào đành im lặng. Lại nhớ đợt trước tết khi học sinh còn chưa được đi học trực tiếp, có lần tôi đi chợ chị bán hàng quen than khổ. Hỏi ra mới biết con chị đã lên cấp 2 rồi, học online thì con tự mở máy chứ chị ít học có biết xài máy tính đâu mà mở. Rõ ràng thấy nó ngồi máy cả buổi mà cuối tháng cô giáo gọi điện báo con không học bữa nào. Lôi ra đánh một trận, mắng một trận con hứa sẽ thay đổi, sẽ học, vậy mà tháng sau cô giáo cũng mắng vốn nghỉ nhiều. Vậy thì biết làm sao được giờ. Nghe chị nói vậy, một cô mua hàng góp chuyện: con trai mà chẳng vậy, con gái thì nó đỡ “lì” hơn. Chị khác đang lựa trứng phản bác: con nào chẳng vậy, con gái nó còn hơn đó chớ. Con tôi nè, học lớp 8 rồi, lớn tướng rồi đó, vậy mà cũng cúp học chơi game online, rồi bạn bè rủ nhau tụ tập đi chơi, mình có biết đâu, ra ruộng cả ngày, trưa về thấy nó còn ngồi máy tính, chiều về thấy nó ở nhà là yên tâm, ai dè nó canh nó trốn đi rồi canh giờ về. Vậy thì ai quản cho nổi, có ngồi không đâu mà quản nó được. Trời ơi, con gái mà vậy á ha.

Ai cũng phải thốt lên câu này khi nghe xong câu chuyện, rồi ai cũng mong cho mau mau đi học trực tiếp lại chứ học online như vầy phụ huynh đau đầu quá chừng.

Dịch dã kéo dài hơn hai năm, cuộc sống đảo lộn đủ mọi mặt chưa thể trở về bình thường được. Giá cả tăng cao, đời sống đã khốn khó, lại thêm chuyện con cái học hành, nhiều cặp vợ chồng cắng đắng nhau gây suốt là vậy. Có nhiều phụ nữ phải chấp nhận nghỉ việc ở nhà trông con, đưa đón con đi học, coi ngó chuyện học của con vì nghĩ nếu không hy sinh con mình hư thì còn khổ hơn là không có tiền. Nghỉ việc trở về làm nội trợ đồng nghĩa với việc phụ nữ đánh mất cơ hội nghề nghiệp của bản thân, nhất là những chị em đã trên 35 tuổi.

Tôi lại nhớ lời chị đồng nghiệp trong công ty cũ: Lấy chồng rồi đừng nghe lời chồng ở nhà chồng lo, phụ nữ là phải đi làm kiếm tiền dù lương ít tới đâu, ở nhà phụ thuộc chồng là trước sau gì cũng sinh chuyện, mình khổ chứ không ai hết. Mà thiệt, từng sinh con, nghỉ việc chăm con nên tôi hiểu rất rõ. Phụ nữ hay đàn ông cũng cần đi làm để giao tiếp xã hội, để phát triển bản thân, không thể cứ ở nhà con cái nội trợ hoài được. Khổ một điều, công việc thì quan trọng nhưng con cái cũng quan trọng, biết khinh bên nào, trọng bên nào, cái đó mới là khó. Thiệt tình, mùa dịch này, làm phụ huynh thiệt là khó trăm bề chứ chẳng chơi!

KHÁNH NGÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chú ý bệnh chuyển mùa thời Covid-19
Ho, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, sốt, nhức đầu, mệt mỏi... là những triệu chứng phổ biến trong cộng đồng dân cư vào thời điểm giao mùa hiện nay. Trong đó, có nhiều triệu chứng nghi ngờ Covid-19.
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó trăm bề