Theo dõi trên

Khởi nghiệp từ trồng tre tứ quý lấy măng

20/08/2024, 05:05

Chi phí ít, không kén đất, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc, đầu ra ổn định… đây là lý do mà chị Phan Cao Hồng Cẩm (thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình) quyết tâm chọn trồng tre tứ quý để khởi nghiệp.

img_3677.jpg
Tre tứ quý được tạo dáng bonsai đã được khách hàng đặt.

Đầu giờ chiều, nắng tháng 8 như muốn thiêu đốt người đi đường, vậy nhưng khi rẽ vào vườn tre tứ quý của chị Phan Cao Hồng Cẩm, không khí đã trở trên mát dịu. Càng vui mắt hơn khi nhìn những đọt măng tròn căng, mạnh mẽ đội đất vươn lên. Vừa dẫn khách vào sâu bên trong vườn, chị Cẩm vừa giới thiệu: Ban đầu cũng đắn đo lắm mới quyết định nhổ bỏ toàn bộ 4 ha thanh long, bởi vấn đề lo ngại nhất vẫn là đầu ra sản phẩm. Nhưng được sự hỗ trợ, động viên của người chú họ, tôi mới mạnh dạn hùn vốn, bắt đầu xuống giống 2,5 ha. Qua hơn 1 năm, thấy cây tre tứ quý phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương nên đã mạnh dạn mở rộng diện tích.

anh4-3148.jpg
Những búp măng tròn căng

Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, chị Phan Cao Hồng Cẩm nói: Trồng tre tứ quý lấy măng không đòi hỏi kỹ thuật cao. Trong quá trình canh tác người trồng cần thường xuyên phát dọn cành vô hiệu để tạo môi trường thông thoáng, đảm bảo nước tưới giữ ẩm cho gốc tre để kích thích ra măng non. Mỗi năm nên tiến hành đốn bỏ những cây tre già trong vườn để lứa măng tơ phát triển và mỗi bụi chỉ giữ lại 3 - 4 cây để tre nhanh cho măng to, múp. Ngoài ra, cần bón lót phân chuồng mỗi năm 2 lần để cây sinh trưởng và phát triển tốt.

img_3628.111.jpg
Qua 3 năm bén rễ trên vùng đất Lương Sơn, cây măng tre tứ quý đã mang lại thu nhập khá cho gia đình chị Cẩm

Tre tứ quý trồng khoảng 8 tháng bắt đầu cho thu hoạch măng đợt đầu tiên, mỗi búp đạt từ 1,5 - 1,7kg. Hiện giá măng đang ở mức 22.000 đồng/kg, nhưng khi vào mùa khô, số lượng hàng ít hơn giá sẽ tăng 30.000 đồng/kg. Vì thế so với thanh long, măng tre tứ quý ít tốn công hơn nhiều và chưa thấy sâu bệnh nên đảm bảo không có thuốc bảo vệ thực vật. Thêm nữa cây cho thu hoạch măng quanh năm, vỏ xanh, không lông, thịt trắng, không có hậu vị đắng như các loại măng khác. Sau khi luộc măng có màu vàng tự nhiên nên rất được thị trường ưa chuộng.

img_3679.11.jpg
Những cây giống đã được khách hàng đặt mua

Qua 3 năm bén rễ trên vùng đất Lương Sơn, vườn măng tre tứ quý của chị Cẩm được các mối hàng là thương lái ở chợ, nhà hàng và khách ngoài tỉnh biết đến đặt hằng ngày, đảm bảo độ tươi, ngon.

img_3690.11.jpg
Chị Phan Cao Hồng Cẩm đang xây lò luộc măng, hướng đến chế biến các sản phẩm từ măng

Vui hơn là không chỉ lấy măng, mà thân cây già, cây giống đều có thể “hái ra tiền”. Hiện một số vườn cây cảnh tại Lâm Đồng đã đặt hơn 50 gốc tre bonsai, với giá 1 triệu đồng/cây. Tính hết các nguồn thu từ tre tứ quý, hàng năm đem lại cho gia đình chị nguồn lợi nhuận khá.

Nhờ thị trường tiêu thụ măng tre tứ quý ổn định, chị Phan Cao Hồng Cẩm đang hướng đến chế biến các sản phẩm từ măng như măng chua, măng khô... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thành sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của địa phương. Đồng thời, xây dựng thành điểm du lịch dã ngoại, câu cá cho khách tham quan. Với ý tưởng này, chị Hồng Cẩm đã được hội đồng cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp huyện Bắc Bình đánh giá cao và giành được giải nhất trong hội thi.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trang bị kiến thức, năng lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, cùng với công tác tuyên truyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh còn giúp nhiều chị em về kiến thức, thể hiện năng lực bản thân trong các lĩnh vực kinh doanh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi nghiệp từ trồng tre tứ quý lấy măng