Theo đó, đề án chia thành 2 giai đoạn gồm giai đoạn 1 đến năm 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030. Tham gia đề án là HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; HTX tạo nhiều việc làm cho lao động nữ. Ưu tiên các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng chế biến sâu, phát huy ngành nghề truyền thống, khôi phục văn hóa, khai thác tài nguyên bản địa. Hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX; ưu tiên phụ nữ ở vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo; khuyết tật, hoàn lương; nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục; di cư lao động không an toàn, công nhân mất việc làm trong khu công nghiệp…
Mục tiêu là phát triển củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên và người lao động trong HTX. Nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Đề án đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tuyên truyền vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Củng cố, tư vấn, xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo việc làm cho lao động nữ gắn với sản xuất các sản phẩm chủ lực từng vùng, từng địa phương, sản phẩm OCOP theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất cây, con đặc sản địa phương tạo giá trị gia tăng. Hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng điều hành các cấp hội về phát triển kinh tế tập thể, HTX. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong kết nối, giới thiệu sản phẩm của HXT do phụ nữ tham gia với thị trường nước ngoài...