Theo dõi trên

Tuy Phong: Những mô hình hợp tác xã mang lại hiệu quả kinh tế

30/08/2024, 05:12

Sự chuyển biến rõ nét nhất ở các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nông nghiệp là việc hình thành các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tạo ra vùng canh tác tập trung nhằm cung ứng sản lượng hàng hóa đạt chất lượng theo nhu cầu của thị trường. Thời gian qua, tại huyện Tuy Phong, nhiều mô hình kinh tế tập thể đã có nhiều bước đi đột phá cho những mục tiêu trên.

Tổ hợp tác trồng táo của đồng bào Chăm

Trồng táo muộn hơn so với nhiều địa phương trong huyện, nhưng bà con người Chăm ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong cũng đã thành lập Tổ nghề nghiệp và Tổ hợp tác trồng táo nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất cũng như kết nối cung cầu cho thị trường.

z5777037630307_640859537c1a376241c5f71d2e97f0cd.jpg
Táo ở Phú Lạc - Tuy Phong

Ông Qua Đình Tỷ - Tổ trưởng Tổ hợp tác cây táo xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong cho biết: Vào tháng 4/2023, Tổ hợp tác có sự kết nối với hai tổ nghề nghiệp trồng táo ở thôn Lạc Trị và thôn Phú Điền, với 20 thành viên canh tác 4,3 ha trên tổng số 6 ha và 30 hộ dân canh tác táo trên địa bàn toàn xã. Thời gian qua, Tổ hợp tác đi vào hoạt động đã hỗ trợ cho đồng bào tiếp cận nguồn vốn sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn sinh học…

z5777037631834_95b92a07276d56334986d489dcdf6896.jpg
Bà con người Chăm nơi đây ổn định cuộc sống hơn nhờ tham gia vào Tổ hợp tác.

Trước đây, ông Thường Ngọc Tuầng (thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc) có 4 sào đất, chủ yếu trồng hoa màu. Nhưng, từ khi chuyển sang canh tác táo xanh cho năng suất cũng như chất lượng trái khả quan, ông thu về lợi nhuận hơn 30 triệu đồng mỗi sào một năm. “Do mới trồng táo chưa bao lâu nhưng nhờ có tổ nghề nghiệp trồng cây táo thôn Lạc Trị thành lập, các thành viên trong tổ thường xuyên thăm hỏi, kết nối lẫn nhau chia sẻ kỹ thuật “người biết nhiều hướng dẫn người biết ít”, “người biết ít chỉ dẫn người chưa biết”, đôi lúc đến nhà “cầm tay chỉ việc” ngay tại vườn táo, nên tôi đã có nhiều kinh nghiệm, đời sống gia đình ngày một tốt lên, bởi táo có giá cả ổn định và thu nhập khá tốt”, ông Tuầng nói.

z5775640325579_d251b96c228d20dbeaa9b2c40f82a47a.jpg
Dưa lưới phát triển trên vùng đất Tuy Phong

Theo bà Qua Thị Kim Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lạc: Táo xanh hiện diện trên vùng đất xã Phú Lạc khoảng 4 năm nay, chủ yếu là đồng bào phá bỏ cây thanh long và nho để chuyển sang trồng táo giàn trong nhà màng nhằm hạn chế ảnh hưởng của thời tiết và côn trùng phá hoại. Mặc dù canh tác táo xanh muộn hơn một số nơi khác, nhưng đồng bào chịu khó học hỏi và đầu tư nên năng suất cũng như chất lượng táo xanh Phú Lạc gần tương đồng so với các nơi khác trên địa bàn huyện Tuy Phong. "Đồng bào Chăm trồng táo ở xã Phú Lạc đã và đang nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu sạch hướng đến trái tươi và các sản phẩm chế biến từ táo được công nhận sao OCOP, khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng nhiều hơn, nâng cao giá trị kinh tế cho đồng bào nơi đây. Hội Nông dân xã Phú Lạc cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa táo xanh – cây trồng lợi thế của địa phương hướng tới sản phẩm OCop... ”, bà Vân cho biết.

Hợp tác xã dưa lưới của những người trẻ

Ở huyện Tuy Phong, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Thiện An đã đưa sản phẩm dưa lưới VietGAP tiêu thụ phổ biến ở một số cửa hàng, siêu thị trái cây sạch trong nước, mang lại nguồn thu nhập khá tốt cũng như tạo việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Anh Lê Minh Thạnh –Phó Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Thiện An, cho biết: Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Thiện An có 12 thành viên là những thanh niên sinh năm 1985 trở về sau, có đam mê và nhiệt huyết với làm nông nghiệp xanh, sạch tại địa phương. Đầu năm 2020, những thanh niên này đã thử nghiệm một vài nhà màng trồng dưa lưới công nghệ cao tại các địa phương: Phong Phú, Phú Lạc và Hòa Minh. Ban đầu, kinh nghiệm còn “non trẻ” nên thất bại cũng không ít, nhưng sau đó rút kinh nghiệm cũng như chịu khó học hỏi cái mới. Từ đó, chất lượng nông sản nâng cao và được thị trường trong nước đón nhận. “Hiện nay, hợp tác xã duy trì 20 nhà màng trồng 2 ha dưa lưới công nghệ cao được công nhận VietGAP và cấp mã số vùng trồng tiêu thụ sản phẩm. Mỗi tháng, đơn vị này cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn dưa lưới các loại nhờ bố trí sản xuất rải vụ, mang lại lợi nhuận không dưới 50 triệu đồng/trại/ 1.000 m2 cho một đợt thu hoạch 75 ngày”, anh Thạnh cho hay.

z5775640298528_1619652e0b99d22defdfb6228167d2b4.jpg
Trồng dưa lưới trên vùng đất Tuy Phong - đây là hợp tác xã của những người trẻ 8X, 9X.

Tham gia vào hợp tác xã từ những ngày đầu mới thành lập, anh Võ Ngọc Tư là một trong những thành viên của hợp tác xã chia sẻ: Hiện anh có 3 nhà màng trồng dưa lưới công nghệ cao với diện tích 3.000 m2. Khi tham gia vào hợp tác xã đã được tư vấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo quy chuẩn nên mẫu mã hình dáng cũng như chất lượng nông sản làm ra tương đối đồng đều và ổn định. Đặc biệt, sản xuất rải vụ theo lịch thời vụ của hợp tác xã nên sản phẩm thu hoạch không bị “dôi dư”, còn giá bán ổn định từ 30.000 - 45.000 đồng/kg tùy loại do hợp tác xã kết nối tiêu thụ với các cửa hàng, siêu thị trái cây sạch ở một số tỉnh, thành trong nước.

Có thể nói, cây dưa lưới bén duyên trên vùng đất nơi đây và liên tục mở rộng diện tích canh tác là do chất lượng sản phẩm “uy tín” được khách hàng tin dùng. Điều này đã thôi thúc những thanh niên trong Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Thiện An có thêm niềm tin, động lực gắn bó với làm nông nghiệp xanh sạch tại địa phương, góp phần tạo nên trái cây ngon, mới lạ và đặc sắc, có giá trị kinh tế cao cho nông nghiệp huyện Tuy Phong.

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phát triển kinh tế tập thể
Phương hướng và giải pháp
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuy Phong: Những mô hình hợp tác xã mang lại hiệu quả kinh tế