Theo dõi trên

Phát triển hợp tác xã gắn với dịch vụ du lịch nông thôn

11/11/2024, 05:05

Một trong những giải pháp phát triển hợp tác xã gắn với dịch vụ du lịch nông thôn được các cơ quan chuyên môn đặt ra là nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực và phát triển loại hình sản phẩm du lịch, gắn với chương trình OCOP phát triển du lịch cộng đồng sinh thái.

Khai thác được lợi thế của các địa phương

Theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp, hết năm 2022 cả nước có trên 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, trải dài từ Bắc vào Nam... với trên 1.300 khu, điểm du lịch, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Thống kê cũng cho thấy, cả nước có khoảng hơn 18.000 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, đây là tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng... Đáng chú ý, khi phát triển các mô hình HTX du lịch không chỉ khai thác được lợi thế của các địa phương, mà còn tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, giải quyết được bài toán người dân làm việc theo mùa vụ, thu nhập bấp bênh.

63dc62e233b688e8d1a7.jpg
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm và Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Phú Hoàng tham quan, khảo sát tại vườn thanh long.

Có thể nhắc đến một số mô hình dịch vụ du lịch của các HTX được khai thác phổ biến tại nhiều vùng nông thôn, miền núi các tỉnh như: Quảng Nam, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, các chương trình du lịch miệt vườn, chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; thưởng thức văn hóa, đàn ca tài tử ở Bạc Liêu; văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh. Đồng thời, những chương trình du lịch nông nghiệp hấp dẫn như: “Trải nghiệm một ngày làm nông dân”, “Trải nghiệm mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”…

74e5f08987dd3c8365cc.jpg
Du lịch trải nghiệm tại Thiện Nghiệp (Phan Thiết).

Tại Bình Thuận, ước tính cuối năm 2024 toàn tỉnh có 168 hợp tác xã, trong đó có 167 hợp tác xã nông nghiệp. Những năm gần đây, mô hình HTX kết hợp du lịch có xu hướng phát triển và đã có những tác động nhất định đến sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn nói chung và kinh tế hộ gia đình nói riêng. Qua đó, tăng sự đa dạng về sinh kế, thu nhập cho các thành viên HTX. Nhiều mô hình HTX kết hợp hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp với du lịch nông nghiệp, nông thôn cho thấy kết quả hoạt động rất hiệu quả nên cần được hỗ trợ đầu tư để nhân rộng.

Có thể nhắc đến sự khởi đầu của mô hình tham quan và trải nghiệm vườn thanh long được tổ chức tại thôn Phú Mỹ (xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam) mấy năm trước đây. Với vị trí nằm ở thủ phủ thanh long của tỉnh, du khách tham quan sẽ được tìm hiểu thêm và quá trình sinh trưởng và thưởng thức tại chỗ đặc sản thanh long Bình Thuận và các sản phẩm chế biến từ loại trái cây này. Bên cạnh, một mô hình du lịch nông nghiệp mới đã và đang được du khách trong và ngoài tỉnh quan tâm đó là dịch vụ trải nghiệm du lịch nông thôn ở HTX chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết).

Đây là dự án chuỗi nông nghiệp xanh chăn nuôi con đặc sản vùng miền, kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm liên kết với Ba Tường Farm. Du khách khi đến đây có thể đi tham quan, trải nghiệm vẻ đẹp Suối Tiên nằm ngay ở chân núi. Họ cùng tham quan, thưởng thức vị ngọt từ vườn dừa, hay dịch vụ câu cá, thăm chuồng nuôi dông, gà rừng. Sau khi trải nghiệm, du khách có thể thư giãn, thưởng thức các món đặc sản như bồ câu, dông, kết hợp rau rừng trồng ngay tại trang trại…

cdff7eb2c3977bc92286.jpg
Lớp bồi dưỡng thiết kế chương trình du lịch nông thôn của Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức với sự tham gia của nhiều 

Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn

Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận thực tế hiện nay, hoạt động du lịch trong các HTX chủ yếu phát triển tự phát, không có quy hoạch, thiếu sự gắn kết với tour du lịch nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về mẫu mã, thương hiệu. Các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn còn trùng lặp, chưa phát huy được giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa truyền thống, sự tinh tế, sự khác biệt và dấu ấn đặc trưng vùng, miền trong các sản phẩm du lịch nông nghiệp. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được khai thác trong nhiều năm nhưng không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào tận dụng tài nguyên tự nhiên. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về HTX gắn với du lịch chưa được hoàn thiện.

Trong tháng 10/2024, Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận đã tổ chức lớp bồi dưỡng thiết kế chương trình du lịch nông thôn, giới thiệu, quảng bá du lịch nông thôn cho các cán bộ xây dựng nông thôn mới từ cấp tỉnh đến xã, thôn, các hợp tác xã, cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, du lịch nông thôn tham gia. Các nội dung liên quan do giảng viên tại Trường Chính sách Công – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn truyền đạt. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh là đổi mới nhận thức và tư duy về phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động du lịch tại các HTX nông nghiệp, nông thôn. Đi cùng đó là cần quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trong quản lý nhà nước, trong kinh doanh du lịch nông nghiệp. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông để nâng cao nhận thức về phát triển nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để HTX kinh doanh du lịch và được trang bị năng lực “làm” du lịch nông nghiệp, nông thôn.

K. HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Năm 2025:
Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm Ngày Du lịch Bình Thuận
BTO-Nội dung các hoạt động phải có sự chọn lọc, thiết thực, tạo được hiệu quả và sức lan tỏa trong công tác giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của du lịch Bình Thuận, đồng thời tạo cơ hội thu hút du khách trong nước lẫn quốc tế… Đó là một trong những yêu cầu của Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995 - 24/10/2025) vừa được UBND tỉnh ban hành.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển hợp tác xã gắn với dịch vụ du lịch nông thôn