Ảnh minh họa |
Trong hàng ngàn tin bài về Bình Thuận ấy, nổi lên một số vụ việc báo chí đưa đậm nét như:
Vụ con hải cẩu thân thiện với con người ở vùng biển Phan Rí Cửa bị đánh chết vào chiều tối 1/1 làm dậy sóng trên mạng xã hội và báo chí. Có hàng chục tờ báo, hàng chục trang tin điện tử đã khai thác thông tin này. Dư luận phẫn nộ lên án kẻ giết hải cẩu. Công an huyện Tuy Phong cùng một số thanh niên tình nguyện Phan Rí Cửa đang truy tìm kẻ giết hải cẩu.
Vụ giám đốc Công ty TNHH Thiên Thanh ở Tánh Linh tấn công gây thương tích cho cán bộ đang thi hành công vụ, khiến dư luận chỉ trích hành vi côn đồ của vị giám đốc này. Công an đã bắt giám đốc này để điều tra.
Vụ 306 hộ dân tộc thiểu số ở La Dạ (Hàm Thuận Bắc) bị tráo máy hỗ trợ nông nghiệp, khiến dư luận hết sức bất bình. Thủ tướng đã yêu cầu Bình Thuận kiểm tra, xử lý nghiêm minh.
Vụ một bé gái 10 tuổi ở Tân Phúc (Hàm Tân) bị xâm hại tình dục. Sau khi báo chí đưa tin, Ủy ban tỉnh đã có công văn khẩn yêu cầu công an vào cuộc.
Các báo tiếp tục phê phán tập đoàn than – khoáng sản Việt Nam cò kè, hạ mức bồi thường từ 85,7 tỷ đồng xuống còn 37,4 tỷ đồng đối với 12 dự án du lịch đang sống dở chết dở vì dự án Cảng Kê Gà của tập đoàn này.
Nhiều vấn đề khác các báo khai thác như: ô nhiễm môi trường ở bãi xỉ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân và xả thải xuống biển; sử dụng con dấu sai quy định của UBND TP. Phan Thiết; đạo đức sa sút dẫn đến hàng loạt vụ cướp, giết, hiếp…
Cùng với các cơ quan báo chí địa phương, thông tin về Bình Thuận của các cơ quan báo chí thường trú và không thường trú tại Bình Thuận đã góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến đông đảo nhân dân; quảng bá hình ảnh Bình Thuận ra ngoài tỉnh, ngoài nước; phát hiện các vụ việc tiêu cực, các vấn đề khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. UBND tỉnh Bình Thuận cũng rất cầu thị, hầu hết vụ việc báo chí vừa đăng tải đã được chỉ đạo phải xác minh, xử lý kịp thời.
Nhưng có một hiện tượng đáng lo ngại đó là: Các báo viết về Bình Thuận thì nhiều, nhưng số lượng tin, bài có tính chất phát hiện các mô hình, nhân tố mới, hoặc những đóng góp, kiến giải, dự báo, hiến kế cho tỉnh thì rất ít. Ngược lại, các thông tin tiêu cực về Bình Thuận thì lại rất nhiều. Có tờ báo lâu nay chỉ thấy đưa các thông tin tiêu cực về Bình Thuận. Đặc biệt những báo không có văn phòng và phóng viên thường trú tại Bình Thuận, thường thiếu sự phối hợp, kiểm chứng thông tin, nên đã cung cấp một số hình ảnh thiếu trung thực, không khách quan về Bình Thuận đến công chúng cả nước.
Đáng ngại hơn là sau khi đưa thông tin không chính xác gây thiệt hại do các tổ chức - cá nhân, một số cơ quan báo chí đã không hợp tác, không đính chính, xin lỗi theo luật định, khi cơ quan chức năng ở Bình Thuận đã xác minh, phản hồi lại. Ở đây có cả trách nhiệm của Bộ Thông tin – Truyền thông chưa quan tâm xử lý những nội dung do địa phương phản ánh, khi báo chí thông tin không chính xác.
Mới đây, làm việc với Sở Thông tin – Truyền thông, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ một số hạn chế đó là: Thông tin về Bình Thuận trên các báo ngoài tỉnh nhiều trường hợp không chính xác, nhưng chậm đính chính. Trong khi thông tin về thành tựu, nhân tố tích cực của Bình Thuận lại rất ít. Bí thư yêu cầu ngành thông tin – truyền thông cần có biện pháp chấn chỉnh các thông tin không chính xác về Bình Thuận, để bạn đọc cả nước có hình ảnh chân thực, khách quan, toàn diện về Bình Thuận.
Chắc chắn rằng Bình Thuận không chỉ có những chuyện tiêu cực, đến mức phải nhận “gạch đá” của truyền thông nhiều đến thế. Bình Thuận còn có rất nhiều tấm gương người tốt việc tốt, mô hình hay, cách làm giỏi, thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, cần được báo chí biểu dương, nhân rộng.
Chắc chắn rằng vẫn có một bộ phận lớn độc giả có trình độ, đang chờ đón các thông tin nghiêm túc, bổ ích từ báo chí, chứ không phải những chuyện “bỏng mắt, đắng lòng” để câu view, câu like.
Thông tin một chiều, “tô hồng” hoặc “bôi đen” cuộc sống, đều trái các nguyên tắc chuẩn mực của báo chí, đó là: Chính xác, khách quan, trung thực. Có phải vậy không các bạn đồng nghiệp?
Đặng Dũng