Theo dõi trên

Không dám đánh bắt, vì trộm lấy ngư cụ

28/08/2023, 04:51

Mặc dù, thời điểm này đang là vụ nam của nghề đánh bắt hải sản, nhưng nhiều tàu đánh bắt mực bạch tuộc ở Phan Thiết đành nằm bờ; do mất ngư cụ đánh bắt, thiệt hại tiền tỷ.

ngu-cu.jpg
Vỏ ốc vôi dùng làm ngư cụ bẩy mực bạch tuộc

Mất tiền tỷ vì trộm cắp

Ông Nguyễn Văn Tiến (Hưng Long, Phan Thiết), thuyền trưởng tàu BTH 98699, phản ánh: “Đang đánh bắt vùng biển Phan Thiết, trong 1 đêm, tàu tôi bị trộm mất 2.000 vỏ ốc, thiệt hại gần 86 triệu đồng và các tàu khác cũng mất vài ngàn vỏ ốc. Tàu tôi nằm bờ 4 ngày nay, không dám ra biển lại. Không riêng gì đội tàu ở Phan Thiết bị trộm vỏ ốc, mà tàu ở Phan Rí, La Gi cũng bị trộm”.

Tương tự ông Nguyễn Ngọc Thanh (Phú Tài, Phan Thiết), thuyền trưởng tàu BTH 96614 bị mất cắp 2 lần với số lượng 3.500 vỏ ốc, thiệt hại hơn 150 triệu đồng. Ông Thanh buồn và nói: “Trên mỗi tàu có 1 thuyền trưởng, 3 - 4 thuyền viên. Mỗi lần mất trộm, tôi phải vay mượn khắp nơi để mua lại vỏ ốc mới ra biển. Mất nhiều quá, chúng tôi không dám ra biển. Trong khi, con của thuyền viên sắp nhập học, mà tàu nằm bờ, thu nhập không có”.

Mặc dù, thời điểm này đang là vụ nam của nghề đánh bắt hải sản, nhiều tàu tranh thủ ra khơi bám biển, nhưng nhiều tàu đánh bắt mực bạch tuộc ở Phan Thiết đành nằm bờ 4 ngày nay, không dám ra biển đánh bắt. Bởi vì, tàu ra biển thả bẫy vỏ ốc xuống, thì bị trộm lấy mất. Hơn 10 ngày, các tàu đánh mực bạch tuộc mất hơn 20.000 vỏ ốc, thiệt hại tiền tỷ. Có những tàu không còn tiền, không thể vay mượn mua vỏ ốc bổ sung vào để đánh bắt, lâm vào cảnh nợ nần. Hồi tháng 6/2023, một số ngư dân đánh bắt mực bạch tuộc ở La Gi đã phản ánh, gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng về tình trạng mất ngư cụ - vỏ ốc để bẫy bạch tuộc, với mức thiệt hại tiền tỷ.

tau-nam-bo.jpg
Tàu đánh bắt mực bạch tuộc ở Phan Thiết

Tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển

Trị giá mỗi vỏ ốc dao động từ 40.000 - 43.000 đồng/vỏ tùy theo thời điểm, chưa tính tiền công khoan lỗ, dây cột. Các tàu chuyên làm nghề đánh bắt mực bạch tuộc, sử dụng vỏ ốc vôi như là ngư cụ cột thành chuỗi dài, thả xuống biển để dẫn dụ bạch tuộc chui vào trú ngụ. Trong quá trình đánh bắt trên biển, các tàu luôn tập hợp thành tổ với nhau vừa bảo vệ tài sản, vừa hỗ trợ cho nhau khi gặp khó khăn. Tuần trước, các tàu đang đánh bắt, thì phát hiện một thuyền composit không có biển hiệu, lợi dụng trời tối chạy vào vùng đánh bắt của ngư dân, cắt dây lấy trộm chuỗi dài vỏ ốc. Các tàu phối hợp đuổi theo, nhưng không thể kịp và nhận định đây là băng nhóm trộm cắp chuyên nghiệp. Bởi vận tốc của tàu đánh bắt mực bạch tuộc chạy 10 hải lý/giờ, trong khi vận tốc của tàu composit chạy hơn 15 hải lý/giờ. Đó là chia sẻ thông tin của các ngư dân.

Vì vậy, ngư dân hành nghề đánh bắt mực bạch tuộc cho biết: “Ngay khi phát hiện mất cắp, chúng tôi đã trình báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc trộm cắp trên biển luôn xảy ra. Chúng tôi tha thiết, mong chờ các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, cứu giúp để chúng tôi yên tâm bám biển, có nguồn thu nhập lo cuộc sống gia đình và trả bớt nợ nần do vay mượn”.

Trước tình hình ngư dân bị trộm lấy ngư cụ - vỏ ốc bẫy mực liên tục xảy ra, gây thiệt hại tài sản, ảnh hưởng tinh thần của ngư dân, đề nghị các lực lượng chức năng liên quan vào cuộc sớm và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến ven biển nhằm xử lý kịp thời các nhóm trộm cắp hoạt động, các điểm tiêu thụ vỏ ốc của nhóm trộm cắp. Từ đó mang lại sự bình yên trên biển cho các ngư dân yên tâm đánh bắt.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải kiểm tra môi trường tại Cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài
BTO-Sáng nay 18/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã đi kiểm tra thực tế tình hình môi trường tại Cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài - TP. Phan Thiết. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và địa phương liên quan.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không dám đánh bắt, vì trộm lấy ngư cụ