Theo dõi trên

Không để người dân lây nhiễm bệnh dại từ động vật

26/03/2024, 05:32

Cục Y tế dự phòng, (Bộ Y tế) cho biết, 3 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận gần 30 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về bệnh dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong...

Thời gian gần đây, bệnh dại có xu hướng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố, một số địa phương đã ghi nhận số ca tử vong do dại cao như: Gia Lai, Nghệ An, Bình Phước, Điện Biên, Bến Tre, Đắk Lắk và Bình Thuận. Những tháng đầu năm 2024, bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến, điều đáng nói là gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn chỉ từ 10 - 15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng. Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do bệnh dại trên người là do bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định. Quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo, cùng với đó là tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên động vật còn thấp, chưa đảm bảo theo chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030.

image001.jpg

Đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận 1 ca tử vong nghi do bệnh dại đó là bé T. mới 4 tuổi ở xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân bị chó của nhà hàng xóm cắn nhiều vết ở vùng mặt, trán, quanh mắt, gò má. Người nhà đã đưa bé đi điều trị bằng phương pháp dân gian nhưng không xử lý vết thương bằng xà phòng, không đi tiêm phòng vắc xin dại, huyết thanh kháng dại. Trước thực trạng trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thông báo ổ dịch lây truyền từ động vật sang người cho Chi cục Thú y tỉnh phối hợp điều tra, giám sát. Bên cạnh đó, ngành y tế của tỉnh khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn, cào hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh dại phải được xử lý vết thương ngay theo hướng dẫn và đến ngay điểm tiêm phòng dại để được khám và điều trị dự phòng, tuyệt đối không điều trị bằng thuốc nam. Ngành y tế còn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, cách xử lý vết thương khi bị động vật cào, cắn và các biện pháp phòng, chống bệnh dại...

Mới đây nhất vào ngày 22/3, một con chó thả rông chạy ngoài đường đã cắn 4 người tại phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết. Cơ quan chức năng đã đưa con chó về theo dõi, tuy nhiên con chó chết sau đó vài giờ và kết quả xét nghiệm là con chó dương tính với virus dại. Thời gian gần đây người dân liên tục phản ánh về tình trạng các hộ dân nuôi chó thả rông không đeo rọ mõm cào, cắn có nhiều nguy cơ mắc virus dại. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại, UBND TP. Phan Thiết đã đề nghị một số cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. UBND TP. Phan Thiết còn thành lập đội chuyên trách bắt chó thả rông để xử lý chó thả rông gây mất trật tự, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng... Theo đó, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp TP.Phan Thiết vừa tổ chức tập huấn hướng dẫn, trang bị kỹ năng bắt chó thả rông cho 18 xã, phường của thành phố.

Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người tiếp tục gia tăng do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế nên nguy cơ tử vong do bệnh dại gây ra là rất cao, bởi lẽ bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để chủ động phòng, chống bệnh dại người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Khi bị chó, mèo cắn phải rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút, nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod, hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị. Đồng thời truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Gặp gỡ những học sinh giỏi đoạt giải quốc gia môn ngữ văn
Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 - 2024, Bình Thuận có 14 học sinh đoạt giải ở các môn thi đều là học sinh Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo. Điều đặc biệt, kỳ thi năm nay môn ngữ văn có 7 học sinh đoạt giải. “Mùa quả ngọt” này không chỉ là sự quyết tâm, nỗ lực của học sinh mà còn là sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo.
Nổi bật
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông:
  Mong cử tri chia sẻ với tỉnh trong xây dựng KCN Tân Đức
BTO- Trong khuôn khổ Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận tiếp xúc cử tri tại các địa phương trong tỉnh, ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh vừa tiếp tục có buổi tiếp xúc cử tri xã Tân Đức, huyện Hàm Tân thông báo chương trình nội dung kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Sở Lao động Thương binh & Xã hội, UBND huyện Hàm Tân, xã Tân Đức, Điện lực Hàm Tân cùng đông đảo bà con cử tri.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để người dân lây nhiễm bệnh dại từ động vật