Theo dõi trên

Không nên ồ ạt rút tiền theo hiệu ứng đám đông

10/10/2022, 14:29

BTO-Sau 2 ngày cuối tuần giao dịch của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) Chi nhánh Bình Thuận bị “đóng băng”, ngay từ sáng sớm 10/10, rất đông người dân đã tập trung trước trụ sở ngân hàng trên đường Trần Hưng Đạo để rút tiền qua máy ATM. Đây là phản ứng trước những thông tin đồn thổi tiêu cực về SCB xuất hiện trên mạng xã hội trong ngày 7/10 vừa qua.

Giao dịch qua internet banking vẫn chưa hoạt động

Từ sáng sớm, trước trụ sở SCB Chi nhánh Bình Thuận (187 – Trần Hưng Đạo – Phan Thiết), rất nhiều xe máy, ô tô xếp hàng dài đợi ngân hàng mở cửa. Trong buổi sáng, rất đông người dân ra vào để làm thủ tục rút tiền trước hạn. Máy ATM trước cổng ngân hàng cũng đông nghịt người, rồng rắn xếp hàng vào rút tiền. Nhằm ổn định tình hình, phía SCB Chi nhánh Bình Thuận đã điều động, bố trí thêm nhân sự tại quầy và khu vực bên ngoài trụ sở, công an địa phương cũng có mặt, nên mặc dù số lượng người dân đến rút tiền tăng đột biến xong tình hình an ninh trật tự vẫn được kiểm soát đảm bảo.

Ông N.V.Đ (phường Phú Thủy) đang xếp hàng rút tiền từ máy ATM cho biết: “Sau 2 ngày tài khoản “đóng băng” không thể chuyển tiền hay rút tiền mặt được, tôi rất lo lắng. Từ sớm tôi đã đến ngân hàng xếp hàng, hy vọng rút được ít tiền để chi tiêu trong gia đình, đóng tiền học cho con”. Còn chị Ng.T.T. H (phường Phú Hài) đang đứng trước ngân hàng tỏ vẻ bồn chồn: “Tôi có sổ tiết kiệm vài trăm triệu đồng trong ngân hàng, mấy ngày qua nghe thông tin trên mạng xã hội, không biết thực hư ra sao, nhưng vẫn sợ. Thấy ai cũng đi rút, nên tôi cũng muốn rút về cho an tâm vì tiền mồ hôi nước mắt, chắt chiu mấy năm trời. Tôi bấm số và đợi từ 8 giờ sáng đến giờ vẫn chưa tới lượt”.

Nhiều người đến hỏi nhân viên ngân hàng khi nào giao dịch chuyển tiền qua internet banking mới hoạt động trở lại, vì họ cần chuyển tiền hàng hóa, đóng tiền học cho con… Tuy nhiên, theo giải thích của nhân viên ngân hàng này, việc giao dịch trên máy tạm thời đang gián đoạn, nếu khách hàng cần giao dịch số tiền lớn có thể vào quầy để nhân viên hỗ trợ trực tiếp. Còn thẻ ATM, khách có thể rút trực tiếp tại trụ sở, hoặc có thể rút ở bất cứ cột nào của các ngân hàng khác vì SCB liên kết với các ngân hàng còn lại. Cột ATM tại trụ sở chính khá đông nên nhiều người đến các cột ATM trước siêu thị Co.opmart Phan Thiết để rút tiền, nhưng bất thành. Đến khoảng 10 giờ 30 sáng nay, nhân viên ngân hàng bỗng dưng treo bảng “ATM tạm ngưng phục vụ” dù khách hàng đứng đợi còn rất đông.

z3787849904632_2c249cee279baac404ff6387442e2451.jpg
SCB Chi nhánh Bình Thuận đã điều động, bố trí thêm nhân sự tại quầy và khu vực bên ngoài trụ sở.

Xuất hiện “cò” các ngân hàng khác

Sáng nay, khi đứng trước ngân hàng SCB hỏi thăm tình hình, chị H. M. V. được một người tên N. V. P – ngân hàng A lân la làm quen, hỏi chị gửi tiết kiệm bao nhiêu và khuyên chị nên rút sang các ngân hàng khác cho an tâm. P. bảo cũng bấm số và đợi từ sáng đến giờ để rút hết tiền tiền kiệm sang ngân hàng A, nơi chị của P đang làm và ngỏ ý rủ chị V. sang ngân hàng A gửi tiết kiệm có lãi suất cao hơn. Sau khi kết nối zalo, chị V mới biết P là nhân viên ngân hàng A và đang lân la để lôi kéo khách hàng của SCB. Không riêng gì ngân hàng A, một số ngân hàng khác cũng tung nhân viên đến chi nhánh của SCB để “mời chào” người dân đến gửi tiền tại ngân hàng mình.

Về việc này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chỉ đạo các ngân hàng phải cạnh tranh sòng phẳng, theo cơ chế thị trường, không được cạnh tranh thiếu bình đẳng, không đúng quy định. Ngân hàng Nhà nước đã có công điện gửi các ngân hàng thương mại trên hệ thống chấn chỉnh tình trạng này. Theo đó tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm những trường hợp lôi kéo khách hàng của SCB sang gửi tiền ở ngân hàng khác.

Trong sáng nay 10/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay: “Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng các biện pháp cần thiết để SCB hoạt động bình thường, đảm bảo khả năng thanh khoản. Ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có SCB đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp. Những người gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là rút trước hạn, để đảm bảo quyền lợi của mình”.

Với vai trò ngân hàng Trung ương cũng là của cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu kiên định với việc điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn.

SONG NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp
BTO-Sáng 30/9, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31của Chính phủ. Tham dự có đại diện gần 100 doanh nghiệp, hiệp hội, các chi nhánh ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh và các ban ngành liên quan.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không nên ồ ạt rút tiền theo hiệu ứng đám đông