Dự họp còn có bà Nguyễn Thị Thuận Bích – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ban ngành liên quan và điểm cầu trực tuyến của các huyện, thị xã, thành phố có biển.
Những năm qua, kết quả chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến rõ nét. Cụ thể, hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá và phát huy hiệu quả trong việc kiểm soát, ngăn chặn tàu cá vượt ranh giới vùng biển Việt Nam, vi phạm vùng biển nước ngoài. Công tác quản lý nhà nước về tàu cá dần đi vào ổn định, tỷ lệ tàu cá được đăng ký, cấp phép khai thác, đăng kiểm ngày càng cao...
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tàu cá và ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác, thu mua hải sản trái phép bị nước ngoài bắt giữ. Như giai đoạn 2011 - 2017, có 51 vụ/70 tàu cá/699 ngư dân; từ năm 2018 đến nay, có 19 vụ/24 tàu cá/172 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng chức năng bắt giữ. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tàu cá thường xuyên mất kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển...
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những khó khăn như: công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, khi những tàu đánh bắt xa bờ ít về địa phương; điều kiện, kinh phí cho lực lượng tuần tra trên biển còn hạn chế; chưa có chế độ, chính sách cụ thể cho lực lượng kiểm ngư… Bên cạnh đó, các đại biểu đã ghi nhận Bình Thuận là tỉnh đầu tiên ban hành Chỉ thị 30-CT/TU liên quan đến công tác chống khai thác IUU, đặc biệt đã nhấn mạnh đến công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, qua từng năm, công tác này có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài ra, các đại biểu đề nghị, bên cạnh việc kiểm điểm, kỷ luật, nên tuyên dương những mô hình, những cá nhân, tập thể nổi bật trong công tác chống khai thác IUU để động viên anh em thực hiện tốt như: mô hình Mỗi biên phòng giám sát 3 tàu ở đồn Biên phòng Phước Hội - La Gi; Nhóm phản ứng nhanh ở Phú Quý hay Đội giám sát IUU – xã Tân Thuận.
Kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại hội nghị và ghi nhận qua 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đã huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan tiếp tục trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU, phải xem nhiệm vụ này là cấp bách, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân của tỉnh khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương khắc phục những tồn tại hạn chế mà Đoàn kiểm tra EC chỉ ra tại lần kiểm tra thứ 4. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để làm việc với Đoàn thanh tra EC sang kiểm tra lần thứ 5 vào quý II/2024. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục ngư dân, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, cam kết không vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, các địa phương, cơ quan chức năng cần kịp thời khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tập thể thực hiện tốt các biện pháp chống khai thác IUU. Từ đó, tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả việc thực hiện IUU. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về bảo tồn, tái tạo, phát triển, duy trì bền vững nguồn lợi thủy sản… Thường trực Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh đánh giá kết quả thực hiện Đề án kiểm ngư tỉnh Bình Thuận, để chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ vướng mắc trong thời gian tới. Các địa phương phải nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền cho chủ trương những công việc cấp bách như: nạo vét luồng lạch, hạ tầng cảng cá, khu tránh trú bão…
Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp tiếp tục quan tâm, chủ động chăm lo, xây dựng sinh kế bền vững cho ngư dân; cần rà soát, quy hoạch các khu dân cư hiện hữu của ngư dân; bố trí công viên, hoa viên, sân thể thao, nhà văn hóa nơi có đông ngư dân sinh sống; tạo điều kiện hỗ trợ lao động nữ vùng biển có công ăn, việc làm ổn định; chăm lo việc học hành cho con em ngư dân…