Theo dõi trên

Kịp thời phản ánh những kiến nghị của cử tri Bình Thuận đến Quốc hội

25/11/2016, 07:57

BTO- Sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc (từ ngày 20/10 đến ngày 23/11/2016), kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận (với 7/7 đại biểu dự họp) đã đóng góp tích cực vào kết quả kỳ họp.

                
      Đại biểu Nguyễn Thị Phúc- tỉnh Bình Thuận chất    vấn tại kỳ họp

Tại phiên họp toàn thể ở hội trường, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh- Trưởng Đoàn ĐBQH thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Ngoài những định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới trong báo cáo Chính phủ đã nêu, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề sau:

Đề nghị Chính phủ cần phân tích đầy đủ hơn nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém trên để thấy thấu đáo vấn đề như đã đề cập trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ hơn, có sức thuyết phục hơn cơ sở của chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 6,7%, để đảm bảo tính khả thi cao của kế hoạch.

Ngoài ra đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh đã tham gia 2 vấn đề:

Vấn đề thứ nhất, về giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn

Chính phủ cần tập trung chỉ đạo và có chính sách đầu tư hỗ trợ thỏa đáng để thực hiện tái cơ cấu một cách tổng thể, căn bản trên từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Trước hết ở những vùng địa phương bị ảnh hưởng thiên tai vừa qua nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất mức thiệt hại do thiên tai gây ra.

Coi trọng đúng mức đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhất là công nghệ cao để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh hàng hóa nông sản, đi đôi với đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ.

 Rà soát bổ sung các chính sách nhằm tạo đòn bẩy thật sự, khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Qua đó kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, nâng khả năng cạnh tranh và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm kể cả xuất khẩu. Đây là yếu tố sống còn của nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời, đề nghị Chính phủ bố trí đủ phần vốn hỗ trợ và xem lại thủ tục sao cho thuận lợi hơn để thực sự khuyến khích doanh nghiệp hăng hái đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo nghị định 2010 của Chính phủ.

Trước hậu quả nghiêm trọng và tính cấp bách do tác động của biến đổi khí hậu, đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn cho các địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng thiên tai vừa qua để đầu tư các công trình bức xúc, những hạng mục xung yếu về thủy lợi, nhằm giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân và phục vụ sản xuất. Khắc phục hậu quả lũ lụt, đồng thời xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền, đê kè chống sạt lở bờ biển, bờ sông và đê bao chống xâm nhập mặn.

 Vấn đề thứ hai, liên quan đến đạo đức xã hội

 Trước mắt, đề nghị Chính phủ có giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng giả, bảo đảm an toàn môi trường nhất là giám sát chặt các nhà máy nhiệt điện. Ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn và tội phạm ma túy, tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng tăng…

Tại các buổi thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, 7/7 ĐBQH tỉnh đã có 41 ý kiến tại tổ và 10 ý kiến phát biểu tại hội trường đóng góp vào các dự án Luật, Nghị quyết và các dự án Luật cho ý kiến; thời gian thảo luận tại hội trường giới hạn nên nhiều ý kiến của các ĐBQH trong Đoàn đã gửi bằng văn bản cho Đoàn thư ký kỳ họp, đã được Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu bổ sung, chỉnh lý đưa vào dự thảo.

Ngài ra, các đại biểu trong Đoàn đã gửi 4 câu hỏi chất vấn bằng văn bản và 4 đại biểu chất vấn trực tiếp tại hội trường với 5 nội dung. Chất vấn đến Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Đồng thời, các đại biểu của Đoàn đã trả lời phỏng vấn các cơ quan Báo chí như: Báo Nhân dân, Đài tiếng nói Việt Nam, Kênh truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Kênh truyền hình Quốc hội, Báo Người Lao động, Báo Dân trí, Báo Việt Nam Net… về những nội dung liên quan tại kỳ họp.

Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã trực tiếp làm việc với các Bộ, ngành như: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng và Tổng Công ty 319, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra còn làm việc với lãnh đạo Lào Cai, Cảng Hải Phòng về kết nối giới thiệu sản phẩm thanh long của tỉnh Bình Thuận đến các tỉnh và các cửa khẩu. Đoàn ĐBQH tỉnh có văn bản kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an liên quan các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện của một số cử tri trong tỉnh.

Tại kỳ họp thứ hai - Quốc hội khóa 14, các vị ĐBQH tỉnh đã kịp thời phản ánh những ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận đến với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như những vấn đề bức xúc của tỉnh được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ghi nhận và có văn bản trả lời cho các ĐBQH trong Đoàn.

BTO



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Những cánh diều xuân rực rỡ trên biển Hàm Tiến – Mũi Né
BTO-Những ngày này, khi gió bấc thổi mạnh và trời trong xanh, bãi biển Hàm Tiến- Mũi Né, thành phố Phan Thiết thu hút rất đông du khách quốc tế yêu thích bộ môn lướt ván diều đến vui chơi, trải nghiệm cùng sóng và gió. Hàng trăm cánh diều sặc sỡ sắc màu tràn ngập không gian bãi biển.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kịp thời phản ánh những kiến nghị của cử tri Bình Thuận đến Quốc hội