Trưng bày tranh cát Phi Long. |
Đó là chuyện vẽ tranh từ những hạt cát, đồi Hồng Mũi Né còn là nguồn nguyên liệu vô tận để các nghệ nhân xây dựng “công viên tượng cát” trưng bày hàng chục pho tượng tại đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết. Với chủ đề “thế giới cổ tích”, mỗi bức tượng cát được sáng tác dựa trên những câu chuyện cổ tích hoặc biểu tượng văn hóa. Những khối cát lấy từ đồi Hồng được nén bằng áp suất thủy lực giữa cát và nước tạo nên độ cứng nhất định để nghệ nhân chạm trổ, gọt dũa tạo nên những tác phẩm nghệ thuật từ cát, khiến bao người xem ngỡ ngàng. Tôi còn nhớ cách đây mấy năm khi “công viên tượng cát” khai trương, những điêu khắc gia từ 15 quốc gia khắp thế giới hội tụ về Phan Thiết và làm nên gần 30 tác phẩm kỳ vĩ từ hơn 300 tấn cát hồng Mũi Né. “Công viên tượng cát” vừa là địa điểm vui chơi giải trí, vừa là không gian nghệ thuật được đầu tư kỹ lưỡng để giới trẻ tìm về tự nhiên, thưởng lãm nghệ thuật điêu khắc một cách sâu sắc và hiểu thêm ý nghĩa, giá trị từ hạt cát hồng Mũi Né.
Nếu cát màu tự nhiên là nguồn nguyên liệu đặc trưng để sáng tạo nghệ thuật thì vẻ đẹp hình dáng của đồi hồng Mũi Né lại là nguồn cảm hứng vô tận của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Những đụn cát mới hình thành trong cơn gió mạnh tạo nên những đường nét sắc cạnh, uốn cong tựa như bầu sữa thiếu nữ, hình dáng luôn thay đổi của đồi cát đã cuốn hút tính sáng tạo của nghệ sĩ. Chỉ đồi Hồng Mũi Né thôi đã có hàng ngàn tác phẩm ảnh nghệ thuật đạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế.
Có thể lý giải tại sao các nghệ nhân, nghệ sĩ thích thú và cảm hứng với đồi cát hồng Mũi Né, bởi lẽ sắc màu thiên nhiên từng hạt cát nơi đây không giống với bao đồi cát khác. Chính kho nguyên liệu cát đa sắc màu đồi Hồng là đề tài cho các nghệ nhân, nghệ sĩ sáng tạo, thi thố tài năng, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo của Bình Thuận.
Lê Thanh