Theo dõi trên

Kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3: “Mái nhà chung” của những người yếu thế

24/03/2022, 06:18

Những năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh đã tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm hoàn cảnh không nơi nương tựa, tuổi già neo đơn tàn tật, tâm thần, trẻ mồ côi bị bỏ rơi… Dưới “mái nhà chung” ấy, họ - từ những người xa lạ có hoàn cảnh khác nhau, nhưng giống nhau ở điểm thiếu thốn, khao khát tình thân đã trở thành một gia đình lớn, được sống trong tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ…

1-10-.jpg
Những người yếu thế tại trung tâm xem ti vi, tham gia hoạt động văn nghệ. (Ảnh tư liệu)

Chăm sóc bằng tình thương và trách nhiệm

Bà Ngô Thị Thùy Linh – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế của xã hội, trung tâm đang chăm sóc 218 người từ cụ già đến em bé sơ sinh tập trung thành một “đại gia đình”; trong đó trẻ em có 24/10 nữ; người có công cách mạng 11/5 nữ; người già neo đơn không nơi nương tựa 36/21 nữ; người tâm thần 131/34 nữ; người khuyết tật khác 12/4 nữ… 61% trong số họ đều bị bệnh tâm thần từ nhẹ đến nặng, 27 người nằm liệt giường không còn khả năng tự chủ. “Hàng ngày, “đại gia đình” đã diễn ra sinh hoạt bình thường như mọi gia đình khác ở bên ngoài, nhưng nỗi vất vả của viên chức, người lao động trung tâm thì phải nhân lên gấp nhiều lần. Do đặc thù đối tượng là những người có hoàn cảnh éo le, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nên đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động luôn đặt chữ tâm lên hàng đầu, phục vụ, chăm sóc bằng cái tâm, sự chân thành, tận tụy” – bà Linh chia sẻ.

Trung tâm hiện có 3 cơ sở nuôi dưỡng thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng người yếu thế gồm: Cơ sở nuôi dưỡng Phan Thiết (Cơ sở 1) - phường Phú Tài – TP. Phan Thiết chăm sóc, nuôi dưỡng 32 đối tượng là trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi và người có công với cách mạng neo đơn; Cơ sở nuôi dưỡng Tân Hà (Cơ sở 2) - thôn Đông Thuận, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân chăm sóc, nuôi dưỡng 138 đối tượng là người tâm thần, người già neo đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật đặc biệt nặng không tự phục vụ được; Cơ sở nuôi dưỡng Tiến Thành (Cơ sở 3) chăm sóc nuôi dưỡng 40 người già neo đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật đặc biệt nặng không tự phục vụ được và người lang thang, cần bảo vệ khẩn cấp chờ đưa về nơi cư trú. Dù mỗi người đều có câu chuyện, hoàn cảnh và số phận riêng, nhưng ở đây họ được chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ, được quan tâm đời sống tinh thần và chăm sóc sức khỏe…

Bảo vệ sức khỏe chung

Theo bà Ngô Thị Thùy Linh, để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19 tại các cơ sở nuôi dưỡng, hàng ngày, các cơ sở nuôi dưỡng còn thực hiện tốt công tác vệ sinh cho đối tượng đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Định kỳ hàng tuần tổng vệ sinh môi trường xung quanh, chăm sóc vườn hoa cây cảnh nhằm tạo môi trường làm việc và chăm sóc đối tượng luôn sạch sẽ, thoáng mát, xử lý rác thải theo quy định để phòng, chống dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm. Cùng với đó, Trung tâm vẫn duy trì việc tổ chức cho đối tượng xem ti vi, nghe nhạc, đọc báo để nâng cao đời sống tinh thần và nắm bắt thông tin thời sự nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, trung tâm đã thực hiện tốt công tác phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Hàm Tân để thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng. Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Hàm Tân cử bác sĩ đến khám bệnh 1 lần/tuần cho đối tượng và cấp thuốc theo chế độ bảo hiểm y tế (kể cả thuốc huyết áp) cho các đối tượng tại Cơ sở nuôi dưỡng Tân Hà để điều trị tại cơ sở. Riêng các nhân viên y tế của trung tâm duy trì thực hiện việc theo dõi, thăm khám sức khỏe cho đối tượng người già, người tàn tật theo kế hoạch. Trong đó, chú trọng quan tâm chăm sóc, điều trị đối với các đối tượng là trẻ em suy dinh dưỡng, khuyết tật và người cao tuổi có thể trạng yếu, bệnh nặng. Tăng cường bổ sung thuốc bổ, sữa cho số đối tượng có sức khỏe yếu, bệnh nặng và trẻ sơ sinh từ nguồn quỹ vận động nhân đạo của cơ quan. Cùng với đó, trung tâm triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19 trong viên chức, người lao động và đối tượng. Hướng dẫn luân phiên trung bình mỗi đợt 43 đối tượng tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng để cải thiện và nâng cao sức khỏe, chống lại các tác dụng phụ của thuốc điều trị.

Mặt khác, trung tâm luôn đặc biệt chú trọng đến công tác dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong 3 bữa ăn/ngày cho đối tượng. Các bộ phận cấp dưỡng tại các Cơ sở nuôi dưỡng lên thực đơn hàng tháng đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, phù hợp với từng nhóm bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc vệ sinh bếp ăn, môi trường, chất lượng nguồn thực phẩm đầu vào để chế biến các món ăn hàng ngày đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra sự cố.

“Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động sẽ tiếp tục đoàn kết, cùng nhau xây dựng “mái nhà chung” Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh luôn gần gũi, ấm áp, đầy tình yêu thương” – bà Linh chia sẻ.

T.HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường”: Tiếp tục nối dài ước mơ đến trường
Những năm qua, cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường” (cuộc vận động) đã nhận được sự quan tâm, chung tay đóng góp tích cực của các cấp, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và toàn xã hội. Nhờ đó, những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học trong tỉnh tiếp tục được đến trường, nuôi dưỡng ước mơ.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3: “Mái nhà chung” của những người yếu thế