Theo dõi trên

Kỷ niệm nhỏ về nhà thơ lớn Xuân Diệu

18/08/2023, 06:01

Nhà thơ Xuân Diệu về cõi vĩnh hằng vào cuối năm 1985. Mới đó mà đã gần tròn 38 năm - thi đàn Việt Nam vắng bóng nhà thơ lớn Xuân Diệu, và trong nhiều diễn đàn quan trọng dành cho các nhà văn, nhà thơ khu vực cũng như quốc tế, chúng ta không còn vinh dự được nghe những ý kiến sắc sảo của nhà thơ.

Nhắc đến sự ra đi của nhà thơ Xuân Diệu, khiến tôi chợt nhớ về “Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ III” tổ chức từ ngày 18/12 đến 20/12/1985 tại thủ đô Hà Nội. Đây có thể xem là một sự kiện văn chương đặc biệt có ý nghĩa đối với lực lượng sáng tác trẻ, được diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất. Bởi hai lần Hội nghị trước chỉ diễn ra trên miền Bắc XHCN trong điều kiện đất nước vẫn còn tạm thời chia cắt.

do-quang-vinh.jpg
Nhà thơ Đỗ Quang Vinh.

Cầm trên tay giấy triệu tập của Ban tổ chức, do nhà thơ Chính Hữu, lúc bấy giờ là Phó Tổng thư ký trực của Hội Nhà văn gởi vào, tôi và anh Mai Sơn dành riêng mấy ngày liền để chuẩn bị cho chuyến “hành hương” ra đất kinh kỳ. Thật ra, hành trang của chúng tôi hết sức đơn giản, gọn nhẹ bởi thời bao cấp dường như ít ai bận tâm đến vấn đề vật chất. Khoảng cách giàu - nghèo và mặc cảm sang - hèn chưa hề xuất hiện trong suy nghĩ của chúng tôi hoặc nếu có cũng chỉ thoáng qua một cách mơ hồ, như sương khói mong manh, không có thực.

Sự háo hức về chuyến đi xa lần đầu tiên trong đời khiến chúng tôi đôi khi sốt ruột và phần nào bực bội bởi sự chậm chạp của con tàu suốt 3 ngày đêm ì ạch trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Thế rồi, chúng tôi cũng đến được Hà Nội - trái tim của cả nước. Hà Nội “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Chẳng lịch cũng thể con người Tràng An” tôi từng đọc trong ca dao xưa. “Hà Nội, ba mươi sáu phố phường” của Thạch Lam - Nguyễn Tường Lân, cây bút truyện ngắn xuất sắc trong nhóm Tự lực Văn đoàn. Hà Nội, đầy ắp nhớ thương, chất chồng hoài niệm trong “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng. Và, gần gũi, thân thiết hơn cả là “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” tôi từng đọc của nhà văn tài hoa, bút pháp độc đáo Nguyễn Tuân. Có một thứ cảm giác thật lạ lùng và kỳ diệu rất khó tả nhen lên trong lòng từ lúc con tàu đi qua địa phận vĩ tuyến 17 cho đến khi chúng tôi đặt những bước chân rụt rè đầu tiên xuống ga Hàng Cỏ - Hà Nội.

Tại cuộc họp trù bị tối hôm đó (17/12/1985) tôi được Ban tổ chức chỉ định tham gia Thư ký đoàn của Hội nghị cùng với chị Dạ Ngân (Cần Thơ) và Hồ Anh Thái (Hà Nội). Cũng ngay tối hôm đó, chúng tôi được biết nhà thơ Xuân Diệu đang phải cấp cứu ở Bệnh viện Hữu Nghị vì bệnh nhồi máu cơ tim; nếu tôi nhớ không lầm thì đây đã là lần thứ hai ông phải vào viện. Mặc dù vậy, Ban tổ chức và nhất là những người làm thơ trẻ có mặt tại hội nghị vẫn hy vọng rằng ngay sáng hôm sau sẽ được tận mặt nhà thơ mà mình hằng kính yêu trên diễn đàn của hội nghị. Thế nhưng, đêm 18/12/1985, rất nhiều đại biểu từ mọi miền của đất nước đã phải bỏ dở cuộc tiếp xúc bốn thế hệ nhà văn tại 65 Nguyễn Du để kịp vào bệnh viện nhìn mặt nhà thơ lớn Xuân Diệu lần cuối cùng. Sáng hôm sau, trong chương trình chính thức của hội nghị, khi nhà thơ Lữ Huy Nguyên thay mặt Ban tổ chức đọc toàn văn bản tham luận đầy tâm huyết và giàu chất trí tuệ của nhà thơ Xuân Diệu, cả hội trường không ai cầm được nước mắt. Trên Chủ tịch đoàn nhiều tiếng khóc bật lên rồi lan dần ra, khiến cho bầu không khí trầm lắng vây kín cả căn phòng rộng lớn của Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt - Xô. Bài viết cuối cùng này của nhà thơ Xuân Diệu có tựa đề “Sự uyên bác với việc làm thơ”- trong đó, tác giả đem hết những điều “gan ruột” tích lũy suốt cuộc đời sáng tạo của mình trao truyền lại cho thế hệ thứ tư. Phải chăng, nhà thơ đã linh cảm trước rằng sẽ không còn dịp nào tốt hơn để truyền lại “bí quyết” sáng tạo thơ ca cho thế hệ đi sau, nhưng đáng tiếc là ông không còn cơ hội được trình bày trực tiếp.

Cuộc tiếp xúc thân mật giữa tuần báo Văn Nghệ Trung ương với các nhà văn trẻ ngay sau đó đã dành phần lớn thời gian để bàn chuyên sâu việc chuẩn bị bài vở cho số báo chuyên đề về nhà thơ Xuân Diệu. Anh Phạm Tiến Duật được phân công viết điếu văn cho đồng chí Hà Xuân Trường - Trưởng ban Văn hóa văn nghệ Trung ương đọc. Tôi nhớ bài viết công phu ấy mang tên “Một cây lớn nằm xuống, cả khoảng trời trống vắng” được in hết sức trang trọng ở trang bìa của tuần báo Văn Nghệ, chạy dài cả hai cột báo. Nhà văn lão thành Nguyễn Tuân đang bị thấp khớp vẫn nắn nót những dòng phân ưu gởi đến kịp thời theo yêu cầu của tòa soạn báo. Tôi rất ấn tượng về những dòng phân ưu, mang phong cách rất riêng của ông - “nhà thơ Xuân Diệu mất đi, thấy có mang theo đi một mảng đời văn của tôi”.

Anh Hữu Thỉnh phân công tôi và Nguyễn Trọng Tín (Cà Mau) viết một bài cảm tưởng ngắn thay mặt anh chị em làm thơ trẻ của hội nghị kính viếng thầy Xuân Diệu. Báo in ra khi những đại biểu miền Nam đang tham quan công trình thủy điện Sông Đà tại Hòa Bình. Đại biểu các tỉnh phía Bắc được vinh dự tiễn đưa nhà thơ Xuân Diệu về nơi an nghỉ cuối cùng trước khi các anh, chị ấy về lại địa phương.

Sau khi tham quan công trình thủy điện lớn nhất nước và HTX sản xuất pháo nổi tiếng Bình Đà, chúng tôi về lại Hà Nội vào lăng viếng Bác rồi đến nghĩa trang Văn Điển đặt vòng hoa kính viếng nhà thơ Xuân Diệu. “Dường như trước đó chưa có đám tang của nghệ sĩ nào làm xúc động lòng người thủ đô như đám tang nhà thơ lớn Xuân Diệu”. Những người Hà Nội tôi gặp sau đó trong quán nước, trong công viên, trên đường phố đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ nhà thơ bằng những cảm nhận xiết bao trìu mến như vậy. Mà đâu phải chỉ có thủ đô Hà Nội, người yêu thơ Xuân Diệu có mặt ở khắp nơi cả trong nước và trên thế giới. Thơ Xuân Diệu được dịch ở Liên Xô (cũ),     Bulgari, Hungari, Rumani, Ba Lan, Pháp, Anh, Ấn Độ, Thụy Điển và đặc biệt là CHDC Đức trước đây - nơi đã phong Viện sĩ Thông tấn Viện hàn lâm nghệ thuật cho Xuân Diệu từ năm 1983.

Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên từng nói đại ý, khối lượng tác phẩm của nhà thơ Xuân Diệu đã bằng lao động trí tuệ của cả Viện hàn lâm Văn học. Nhận định ấy, quả thật không ngoa. Với khối lượng tác phẩm đồ sộ cùng những đóng góp nổi bật trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong phạm vi quốc gia và quốc tế, nhà thơ - viện sĩ Xuân Diệu đã đi vào cổ điển tự bao giờ.

ĐỖ QUANG VINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tản mạn về sự thấu hiểu
Việc hiểu về nhau giữa những người thân, người bạn, người quen biết cần đối với mỗi người. Từ sự hiểu nhau, có thể có sự sẻ chia, giúp đỡ. Xã hội có biết bao cảnh đời cần có sự thấu hiểu bởi những người khác nhau.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm nhỏ về nhà thơ lớn Xuân Diệu