Theo dõi trên

Kỳ tích trị hạn và đánh thức du lịch qua lời kể của Bí thư Bình Thuận

19/09/2022, 10:04 - Lượt đọc: 7,452

Từ một tỉnh khô hạn nhất cả nước, Bình Thuận nay được phủ xanh bởi cánh đồng lúa, hoa màu. Du lịch của địa phương cũng đã được đánh thức, ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch nước nhà.

Trước đây Bình Thuận hay nói đến 2 điểm nghẽn cản trở sự phát triển, đó là giao thông và chồng lấn quy hoạch titan với các quy hoạch khác. Bây giờ, cảng biển đã có, cao tốc, sân bay đang được thi công và sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2023; chồng lấn quy hoạch titan đã được Chính phủ tháo gỡ bằng Nghị định số 51.

"Tuy nhiên, Bình Thuận còn một điểm nghẽn, đó là nhân tố con người. Một nơi có 'thiên thời, địa lợi' mà thiếu 'nhân hòa' thì khó có thể đạt được kết quả như mong muốn”, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy, mở đầu câu chuyện với Zing nhân 30 năm tái lập, phát triển Bình Thuận (1992-2022).

Kỳ tích trị hạn, đánh thức ngành du lịch

- Sau 30 năm tái lập, phát triển, thành tựu nổi bật của tỉnh Bình Thuận là gì, thưa ông?

Thành tựu lớn nhất đó là “trị hạn”. 30 năm qua, từ vùng đất được biết đến là nơi “đồng khô, cỏ cháy, nước chờ mong”, Bình Thuận đã xây dựng một hệ thống thủy lợi gồm hơn 200 công trình hồ chứa, đập dâng, trạm bơm và kênh tiếp nước với tổng dung tích 400 triệu m3, tổng chiều dài kênh thủy lợi hơn 1.800 km.

Nhờ vậy, từ một tỉnh khô hạn nhất cả nước, khả năng đáp ứng nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp rất yếu, đến nay, năng lực tưới của tỉnh lên trên 114.000 ha. Những vùng đất hoang hóa, khô cằn giờ đây đã được phủ xanh bởi cánh đồng lúa, hoa màu, vườn thanh long. Có thể nói, thành tựu “trị hạn” là một kỳ tích.

Những vùng đất hoang hóa, khô cằn được biến đổi thành cánh đồng lúa, hoa màu, vườn thanh long, đó là một kỳ tích

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An

Thành tựu thứ hai là ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Những năm đầu thập niên 1990, ngành du lịch hầu như không có nhiều đóng góp cho kinh tế của tỉnh, sau sự kiện nhật thực toàn phần năm 1995, du lịch Bình Thuận được “đánh thức”. Từ đó, tỉnh xây dựng và phát triển hệ thống resort, khách sạn tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, trở thành nơi sôi động về du lịch, được mệnh danh là “thủ đô resort”. Du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng năm 2019 đạt hơn 6,4 triệu lượt (gấp hơn 512 lần so với năm 1992), trong đó, khách quốc tế đạt hơn 774.000 lượt (gấp 80 lần so với năm 1992); doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 15.000 tỷ đồng (gấp 2.515 lần so với năm 1992).

Ngoài ra, việc chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp ghi được dấu ấn lớn những năm gần đây. Từ một tỉnh thuần nông, Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng lớn của quốc gia.

Toàn tỉnh hiện có 48 nhà máy đã vận hành phát điện thương mại với nhiều loại hình: Thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời và điện gió với tổng công suất 6.520 MW (chiếm 8,5% tổng công suất nguồn điện cả nước); tổng sản lượng thiết kế khoảng 31,6 tỷ kW/năm (chiếm 12,7% sản lượng điện cả nước), góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Một điểm nhấn nữa của tỉnh qua 30 năm tái lập là việc hình thành hệ thống giao thông tương đối đồng bộ. Ngoài đường sắt Bắc - Nam, các tuyến quốc lộ (quốc lộ 1, 28, 28B, 55) kết nối với các tỉnh, vùng lân cận, Cảng biển Quốc tế Vĩnh Tân, sắp tới có thêm cao tốc Bắc - Nam (phía đông), sân bay Phan Thiết.

Hệ thống giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, giúp tỉnh “mở cửa” vùng biển, “mở cửa” bầu trời, mở rộng không gian phát triển, trở thành cửa ngõ kết nối giữa khu vực duyên hải Nam Trung bộ với Tây Nguyên, vùng kinh tế trọng điểm phía nam...

- Những thành tựu đó đã thay đổi chất lượng sống của người dân Bình Thuận ra sao sau 30 năm?

- Lúc mới tái lập, Bình Thuận là một tỉnh nghèo. 30 năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người từ 1,35 triệu đồng năm 1992 lên 48,92 triệu đồng năm 2021 (gấp 36,2 lần, tăng bình quân 13,24%/năm), đứng thứ 18 trong cả nước và đứng thứ 2 trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ.

Tỉnh cũng huy động nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn nối liền từ các huyện, thị xã, thành phố đến các xã, phường, thị trấn. Đến nay đã đầu tư được 1.277 km/4.764 tuyến đường bê tông, cải thiện đáng kể điều kiện đi lại, sản xuất của người dân, hoàn thành tiêu chí giao thông thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, việc thực hiện tốt chính sách giảm nghèo đã tác động tích cực đến đời sống người dân, nhất là đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 32,4% năm 1992 giảm xuống còn 1,15% năm 2021.

Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể, nhiều hộ dân trước kia đói, nghèo nay đã vươn lên khá giả, làm giàu; bộ mặt đô thị, nông thôn kể cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, bãi ngang ven biển thay da đổi thịt từng ngày.

- Đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch lao đao, xuất khẩu nông sản gặp khó khăn, nhà đầu tư năng lượng đau đầu với việc kết nối hệ thống truyền tải… Bình Thuận điều chỉnh chiến lược phát triển ra sao sau hàng loạt tác động đó?

- Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định ba trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới là: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. 2 năm qua, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn, đây vẫn được xác định là 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.

Năm 2021, tuy bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng trưởng 6,16%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 21,8%, thu hút vốn đầu tư phát triển tăng 8,6% so với năm 2020. Sản xuất năng lượng phải cắt giảm luân phiên, có sự sụt giảm lượng tiêu thụ, doanh thu, nhưng vẫn trong khả năng chấp nhận được và đã phục hồi mạnh mẽ. Năm 2021, đóng góp vào thu ngân sách của ngành điện đạt hơn 2.432 tỷ đồng, chiếm 20% tổng thu ngân sách nội tỉnh.

8 tháng đầu năm 2022, Bình Thuận đón gần 3,5 triệu lượt khách du lịch

Du lịch được đánh giá là ngành bị thiệt hại nặng nề nhất, thể hiện qua kết quả tăng trưởng âm 2 năm liên tiếp (2020-2021) và nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Nhờ chuyển hướng khai thác thị trường nội địa với các chương trình kích cầu, xây dựng hình ảnh điểm đến “an toàn”, đổi mới cách truyền thông, xúc tiến du lịch gắn với nhiều hoạt động đa dạng, đã giúp ngành du lịch tỉnh sớm phục hồi.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Bình Thuận đón gần 3,5 triệu lượt khách, tăng 98% so với cùng kỳ năm 2021; dự kiến đến cuối năm 2022 tỉnh đón 4,6 triệu lượt khách. Các chỉ tiêu phát triển du lịch cũng tiệm cận với kết quả cùng kỳ năm 2019, trước khi dịch bùng phát.

Sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản ổn định. Việc xuất khẩu nông nghiệp, nhờ sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, đã vận hành thông suốt. Các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vẫn đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân dù có lúc rất khó khăn do dịch Covid-19 xâm nhập vào cộng đồng, lưu thông nguyên vật liệu bị tắc nghẽn.


Trung tâm năng lượng quốc gia

- Bình Thuận đứng trước rất nhiều cơ hội, thuận lợi để phát triển khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, sân bay Phan Thiết hoàn thành, các dự án khu công nghiệp, khu du lịch, nghỉ dưỡng lớn đi vào hoạt động. Vậy tỉnh sẽ làm gì để tối ưu hóa các nguồn lực này?

- Kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là các công trình giao thông của tỉnh đang được đầu tư sẽ tạo điều kiện kết nối đồng bộ hạ tầng trong tỉnh với hạ tầng quốc gia và vùng, điều kiện quan trọng để thu hút các dự án đầu tư. Với những điều kiện “thiên thời, địa lợi”, tỉnh tiếp tục đặt ra mục tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 trên 250.000 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu đó, trước tiên Bình Thuận tập trung nguồn lực để phát triển 3 trụ cột của nền kinh tế là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp.

Tận dụng tối đa năng lượng tái tạo, đưa Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm năng lượng lớn nhất quốc gia.

Với công nghiệp: Tập trung phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng các sản phẩm công nghiệp; giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng và những ngành sử dụng nhiều lao động.

Tỉnh cũng sẽ vận hành và khai thác có hiệu quả 6 khu công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng; tận dụng lợi thế “cửa ngõ” giao thông để đón đầu, thu hút dòng chuyển dịch các dự án công nghiệp từ các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam ra các tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó, địa phương tìm cách phát huy một cách hiệu quả lợi thế phát triển năng lượng tái tạo; phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng bình quân giá trị ngành sản xuất và phân phối điện đạt 14,5%/năm, chiếm tỷ trọng 60-65% trong cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh; đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước.

Đối với du lịch: Địa phương xác định nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu Khu du lịch quốc gia Mũi Né, lấy đó làm hạt nhân lan tỏa để tiếp tục mở rộng không gian du lịch ra phía bắc và phía nam với nhiều loại hình du lịch, dịch vụ.

Tỉnh đang quy hoạch lại không gian du lịch ở các khu vực mới; phát triển phong phú thêm các loại hình du lịch theo xu hướng hiện nay (du lịch thể thao biển; MICE, du lịch mạo hiểm,…); phát triển cảng du lịch, bến du thuyền và các dịch vụ cao cấp; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mời các nhà đầu tư chiến lược, có uy tín, năng lực, kinh nghiệm tham gia các dự án đẳng cấp quốc tế; phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trước năm 2025.

Đối với nông nghiệp: Tỉnh sẽ cơ cấu lại nội bộ ngành theo hướng hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; từ lấy sản lượng làm trọng tâm sang nâng cao chất lượng, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có giá trị kinh tế cao gắn với chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.

Cùng với đó, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành vùng nguyên liệu gỗ, dược liệu gắn với chế biến; phát triển khu nuôi trồng hải sản trên biển với các loài có giá trị kinh tế cao.






Hệ thống giao thông cũng sẽ tiếp tục được đầu tư hoàn thiện để tăng khả năng liên kết và khai thác hiệu quả các dự án giao thông trọng điểm. Tỉnh đang triển khai thi công tuyến đường ven biển phía nam kết nối Phan Thiết đến biển Kê Gà và thị xã La Gi, sẽ đầu tư đường Hàm Kiệm - Tiến Thành nối quốc lộ 1A với khu du lịch Tiến Thành, đường Tân Minh - Sơn Mỹ nối Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 với quốc lộ 1, 55, cao tốc Bắc - Nam (phía đông).

Ngoài ra, Bình Thuận đang kiến nghị Thủ tướng cho chủ trương đầu tư mở rộng quốc lộ 55 kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận với Lâm Đồng và các tỉnh Nam Tây Nguyên; mở rộng, nâng cấp quốc lộ 28B kết nối với cảng quốc tế Vĩnh Tân.

Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương để nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập khu kinh tế ven biển và đề án thành lập khu công nghệ cao, góp phần tối ưu hóa những lợi thế về phát triển kinh tế biển của tỉnh, hình thành chuỗi liên kết các khu kinh tế ven biển của cả nước.

Mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, dịch vụ công, công khai thông tin về quy hoạch, cơ chế, quy trình, thủ tục đầu tư cũng là kế hoạch chúng tôi hướng đến, để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu và quyết định việc đầu tư, thực hiện dự án.

Bài học về phát huy nhân tố con người

- Từ chiến lược đến thực thi luôn phải phụ thuộc con người, ông từng chỉ ra “nút thắt” từ nhân tố con người, liệu điều này có phải là lực cản, điểm yếu trong phát triển của Bình Thuận?

- Con người luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Đảng ta đã xác định sau khi có chủ trương đúng thì con người có vai trò quyết định. Một nơi chỉ có “thiên thời, địa lợi” mà thiếu “nhân hòa” thì khó có thể đạt được kết quả như mong muốn.

Thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, một bộ phận cán bộ, công chức của tỉnh chưa thật sự toàn tâm, toàn ý với công việc, chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; thậm chí có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thờ ơ trước khó khăn, vất vả của người dân, doanh nghiệp.

Chính vì vậy, nhiều năm liên tục, các chỉ số đo lường về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR Index), quản trị và hành chính công (PAPI), sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) của tỉnh Bình Thuận thuộc nhóm thấp, có chỉ số có năm đứng thứ 63/63 tỉnh thành. Đó chính là lực cản, nút thắt trong phát triển tỉnh Bình Thuận.

Một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thờ ơ trước khó khăn của người dân, doanh nghiệp

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An

Để cải thiện tình hình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung khơi dậy tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến vì sự nghiệp chung, mà ở đây là sự phát triển của tỉnh trong cán bộ, đảng viên; từ đó cải thiện môi trường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Đồng thời, tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ có hành vi tiêu cực, sẵn sàng thay thế cán bộ yếu kém về năng lực, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm với phương châm đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhắc nhiều lần: “Ai làm không được thì đứng sang một bên”.

- Trong 30 năm phát triển, nhiều tập thể và cá nhân đã bị kỷ luật vì liên quan nhiều sai phạm. Bài học kinh nghiệm được rút ra trong công tác lãnh đạo ở Bình Thuận là gì, thưa ông?

- Ở mỗi giai đoạn, thời kỳ, việc vận dụng các cơ chế chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư… để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh có lúc chủ quan, nóng vội, chưa bám sát các quy định của pháp luật, dẫn đến vi phạm, sai phạm. Đây là bài học kinh nghiệm rất sâu sắc để các cán bộ lãnh đạo đương nhiệm và trong tương lai rút ra cho bản thân.

Để không lặp lại những sai phạm trong quá trình lãnh đạo, điều hành, trước tiên Bình Thuận cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị.

Tỉnh quán triệt kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đồng thời kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về năng lực, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc tiêu cực trong thi hành nhiệm vụ.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, cán bộ phải nắm chắc quy trình theo quy chế làm việc, tuân thủ thực hiện nghiêm chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Đối với cán bộ lãnh đạo - người ra quyết định, phải luôn đề cao trách nhiệm nêu gương, nỗ lực, truyền cảm hứng cho cấp dưới. Một người đứng đầu tốt sẽ “truyền lửa” đến từng tổ chức, cá nhân hướng tới cái tốt, cái đẹp; nhất là về tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, nói ít làm nhiều, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, mỗi cán bộ lãnh đạo phải biết lắng nghe các luồng ý kiến, để qua đó, nếu phát hiện những sai sót thì phải xử lý, khắc phục; nếu thấy đúng thì quyết tâm thực hiện; không để xảy ra tình trạng quan liêu, độc đoán, chuyên quyền trong cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bình Thuận xác định sẽ tăng cường lựa chọn, bố trí cán bộ thông qua thi tuyển và thông qua tiến cử của người đứng đầu, đi liền với chống chạy chức, chạy quyền, hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, tỉnh phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, uốn nắn sai sót và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

- Nghĩ đến một tương lai xa hơn trong 10 năm tới, ông hình dung Bình Thuận sẽ như thế nào?

- 30 năm kể từ ngày Bình Thuận được tái lập, từ vùng khô hạn đã thành nơi có nông nghiệp trù phú. Bình Thuận từ “điểm trắng” du lịch, trở thành điểm đến yêu thích của hàng triệu du khách. Bình Thuận đã biến những cơn gió rát người, nắng cháy da thành nguồn điện và vươn tới trở thành trung tâm năng lượng quốc gia. Bình Thuận đang có một tầm vóc và diện mạo mới.

Vì thế, 10 năm tới, với nền tảng đã đạt được, tôi tin Bình Thuận sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một cực phát triển mới của vùng duyên hải Nam Trung bộ; nơi có trung tâm năng lượng bậc nhất của quốc gia, địa điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bình Thuận cũng sẽ là nơi có ngành nông nghiệp hữu cơ sạch, an toàn phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và xuất khẩu; trở thành nơi thật sự đáng sống với đủ tiện ích sinh hoạt, giải trí theo hướng hiện đại, xanh, sạch và bền vững.

- Xin cảm ơn ông.





ZINGNEWS.VN


(1) Bình luận
Bài liên quan
Hào khí Lam Sơn tỏa rạng trường tồn cùng khí phách dân tộc !
Nếu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc tranh đấu trường kỳ gian khổ để giành lại quyền tự quyết cho dân tộc và tự do cho Nhân dân; thì cuộc khởi nghĩa Lam Sơn năm 1418 xứng đáng trở thành một biểu tượng cho tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khí phách hào hùng và khát vọng trường tồn của dân tộc ta trong dặm dài lịch sử. Để rồi, trải qua hơn 6 thế kỷ, hào khí Lam Sơn vẫn sẽ luôn tỏa rạng cùng khí phách dân tộc trên chặng đường tranh đấu nhằm khẳng định uy tín và v
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ tích trị hạn và đánh thức du lịch qua lời kể của Bí thư Bình Thuận