Vì những khó khăn chung của đất nước khi mới vừa được thống nhất hai miền Nam – Bắc; rồi có những khó khăn nhất định riêng của từng gia đình nên trẻ em đi học chỉ mong được biết đọc, biết viết. Đa số học hết lớp chín là nghỉ học. Số ít lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự, một số học nghề hoặc làm chân văn thư, đoàn thanh niên gì đó ở xã nếu gia đình có người đi trước giúp đỡ. Số còn lại nghỉ học ở nhà làm nông và lập gia đình riêng, sinh con khi tuổi đời còn rất trẻ.
Năm vào lớp mười, huyện tôi chưa có trường cấp III nên chúng tôi phải đạp xe từ quê đến thị xã Phan Thiết học ở Trường Trung học phổ thông Phan Bội Châu, mỗi ngày đến trường cả đi và về khoảng 25 km, có đứa xa hơn. Học sinh cấp II cả huyện chúng tôi chỉ đủ một lớp 10, với 32 học sinh. Khi hết năm học thứ nhất của cấp ba, lớp tôi chỉ còn lại vỏn vẹn 22 bạn. Nhà trường đã chuyển một số bạn ở thị xã vào học chung cho đủ số lượng, nhưng đa số là các bạn “lưu ban”. Vì thế lớp chúng tôi luôn luôn được nhà trường xướng tên “lớp đạt thành tích kém nhất trường hàng tuần”. Vì ở quê, nên hết cấp II chúng tôi không có đứa nào học tiếng Anh, lên cấp ba bắt buộc phải học tiếng Nga. Nhà trường đã bố trí một cô giáo dạy tiếng Nga làm chủ nhiệm của lớp; từ đó cô Hồ Thị Như Oanh đã chủ nhiệm chúng tôi 3 năm liên tục. Cô là người thành thị, gia đình khá giả, nên việc dạy học của cô không nặng về kinh tế mà chỉ là trách nhiệm và niềm vui. Khi chúng tôi tốt nghiệp cấp ba cô Oanh đã xin thôi dạy học để làm việc khác phù hợp hơn. Bẵng đi một thời gian khoảng 10 năm ngày ra trường, ban cán sự lớp liên hệ các bạn để họp lớp; nhiều bạn học đại học ra trường có công ăn việc làm ổn định, có bạn trở thành cô giáo cấp I, cấp II; có bạn ở nhà lập gia đình chọn một ngành nghề phù hợp và tôi cũng đã tốt nghiệp đại học rồi tìm được một việc làm ở cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, nhưng lại xa quê hương. Gặp lại bạn bè, gặp lại cô chủ nhiệm chúng tôi mừng khôn kể xiết, nhưng lúc này nhiều người cũng còn rất khó khăn. Cô giáo đã ủng hộ một phần kinh phí cho đợt họp mặt đầu tiên. Nhìn chúng tôi ngày càng lớn khôn, thành đạt cô mừng lắm. Trong một lần họp lớp cô tâm sự: “Khi được nhà trường phân công làm chủ nhiệm lớp các em – cô buồn lắm, nhiều đêm về suy nghĩ muốn chống lệnh”; vì lúc đó chúng tôi vừa lì, vừa học không được tốt lắm, mà môn tiếng Nga của cô thì cực kỳ khó học. Cô nói: “Khi kiểm tra bài các em không thuộc; năm lớp 11 các em đồng lòng bỏ giờ học tiếng Nga đi đá banh, cô thật sự “sốc” nhưng vì tình thương các em, thông cảm cho suy nghĩ còn non nớt của học trò, cô đã tìm cách vượt qua”. Cô không báo nhà trường, cô không kỷ luật đứa nào cả. Với phương châm “kỷ cương, tình thương và trách nhiệm” của mình, cô đã có nhiều buổi nói chuyện với ban cán sự lớp, rồi động viên khuyên nhủ từng học trò và sinh hoạt chung cả lớp. Với sự nhiệt tình của cô, chúng tôi đã vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp THPT có thi môn tiếng Nga, nhưng không một bạn nào rớt.
Thời gian thấm thoát đã hơn 30 năm kể từ ngày ra trường; chia tay mái trường Phan Bội Châu thân yêu tôi đã có một việc làm ổn định ở thành phố Đà Lạt ngàn hoa. Nhân dịp về thăm quê hương trong những ngày tháng 11, tôi tìm ghé thăm cô để nhớ lại một thời làm cho cô ưu phiền. Gặp lại nhau, cô trò đều rất mừng; hôm nay tuổi cô đã ngoài lục tuần, trong vai trò của một người quản lý về y tế của một bệnh viện ở tỉnh nhà, cô đã đem hết khả năng và trách nhiệm của mình để phục vụ cho sự nghiệp chữa bệnh cứu người. Cô cởi mở với tôi: “Trong khoảng thời gian tuy không nhiều làm nghề dạy học của cô, dấu ấn về học trò là các học sinh lớp 12B2 Trường THPT Phan Bội Châu niên học (1989 – 1991) đã làm cho cô nhiều lo toan, cực khổ, rơi nước mắt vì sự chân chất của các em và cũng là niềm tự hào nhất của cô trong cuộc sống vì các em đã biết vượt qua khó khăn, gian khổ để tự mình vươn lên”. Tôi vui lây với miền tự hào của cô. Tôi thầm cảm ơn ông trời, thầm cảm ơn cô Hồ Thị Như Oanh đã dạy tôi cái nhân nghĩa ở đời khi tôi vừa mới lớn. Kỷ niệm thời học sinh trong gian khổ khó khăn, những ngày bị cô rầy, cô la bây giờ chỉ còn trong ký ức; những ngày tháng xa quê, cuốn theo dòng đời xuôi ngược, tôi vẫn cất giữ trong lòng những kỷ niệm vui buồn nơi mái trường Phan Bội Châu yêu dấu. Ở đó, tôi có những tháng ngày kỷ niệm với bạn bè, mái trường và những thầy cô thân yêu của mình, đặc biệt là cô Oanh. Tôi xin chúc cô khỏe mạnh, tràn ngập niềm tin trong cuộc sống; luôn may mắn thành công trong sự nghiệp của mình.