Theo dõi trên

La Gi với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

24/03/2023, 05:56 - Lượt đọc: 720

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), các cấp ủy, chính quyền của thị xã La Gi đã có những biện pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt. Nhờ đó, lao động sau khi tốt nghiệp được lựa chọn những ngành nghề phù hợp, có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trên 85% học viên có việc làm

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Thị ủy La Gi, trong hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, các cấp ủy, chính quyền của thị xã đã có những biện pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt. Từ đó, công tác dạy nghề đã đạt những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp lao động nông thôn (LĐNT) tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, toàn thị xã tổ chức đào tạo và liên kết đào tạo nghề cho LĐNT được hơn 6.000 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức lên 71,37%.

1-173-.jpeg

LĐNT tham gia lớp Dinh duỡng kỹ thuật nấu ăn

Bên cạnh đó, để tổ chức tốt việc gắn đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã đã ký cam kết giữa Công ty cổ phần May Bình Thuận - Nhà Bè và người học nghề đào tạo nghề may công nghiệp. Sau khi học nghề may xong, 100% học viên sẽ được công ty nhận vào làm việc, với mức thu nhập từ 4,2 triệu đồng/1người/tháng... Hoặc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sẽ giới thiệu việc làm để các học viên nhận việc làm ngay sau khi hoàn thành khóa học. Mặt khác, trong quá trình tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các học viên đều được tư vấn nghề thích hợp. Nhờ đó, khoảng 85,65% học viên sau khi học xong đều có việc làm bằng nhiều hình thức như: Tự tạo việc làm hoặc đã có việc làm học nghề để nâng cao tay nghề tăng thu nhập... Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo tại 4 xã đạt trên 40%, đạt tiểu tiêu chí 14.3 (tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo) trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Gắn đào tạo nghề với thị trường lao động

Ban Thường vụ Thị ủy La Gi cho rằng, công tác đào tạo nghề cho LĐNT tuy đã có nhiều kết quả song vẫn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc tổ chức đào tạo nghề chưa thật sự chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người học nghề và người sử dụng lao động; một số nghề chưa phát huy được hiệu quả sau đào tạo, người lao động sau khi học nghề chưa duy trì được nghề lâu dài... Thời gian tới, Ban Thường vụ Thị ủy La Gi sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề của người lao động trong giai đoạn 2020 - 2025, phân loại đối tượng để đào tạo nghề.

Cùng với đó, làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho người lao động trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với thị trường lao động trong và ngoài nước; tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Song song, chú trọng phối hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo nghề, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng người học, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn...

KIM ANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thực tế
Năm 2022, công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thị trường được tỉnh quan tâm thực hiện. Qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và xã hội.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn