Theo đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, bên cạnh việc tập trung tuyên truyền giúp người dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đào tạo nghề; các sở, ngành, địa phương còn chú trọng điều tra nhu cầu học nghề và sử dụng lao động của doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch đào tạo. Mặt khác, các chương trình đào tạo nghề cơ bản đáp ứng nhu cầu của người lao động, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Nhờ đó, năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho gần 15.500 người, đạt 154% so với kế hoạch năm và bằng 216% so với cùng kỳ năm 2021. Các ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng gồm: Công nghệ ô tô, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Tiếng Anh, Kế toán doanh nghiệp… Về đào tạo trình độ trung cấp, các ngành nghề thu hút nhiều học viên theo học là: May thời trang, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Điện công nghiệp... Các ngành nghề đào tạo đã cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, công tác tuyển mới đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ, lao động nông thôn, lao động nữ, người khuyết tật... đạt tỷ lệ thấp. Cụ thể, đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an là 652/2.000 người, đạt 32,60% so với kế hoạch năm. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội lý giải, nguyên nhân là do năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (giai đoạn 2021 - 2025) nên còn lúng túng. Mặt khác, Trung ương phân bổ kinh phí của chương trình cho tỉnh trong năm 2022 chậm nên không kịp thời gian triển khai và quyết toán trong công tác đào tạo nghề theo Luật Ngân sách. Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động, tích cực mở lớp đào tạo, chưa phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết trong thời gian tới, kế hoạch đào tạo nghề của tỉnh sẽ bám sát hơn nữa nhu cầu của người lao động và định hướng phát triển của địa phương. Trong đó chú trọng thông tin về công tác đào tạo nghề, việc làm đến người lao động; gắn hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn với sử dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để người lao động có thể tìm việc làm với mức thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp tổ chức thực hiện tốt việc điều tra cung - cầu lao động và nhu cầu học nghề, dự báo thị trường lao động. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động có tay nghề cao cả về số lượng, chất lượng cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo.
Mặt khác, tạo mọi cơ hội và điều kiện thuận lợi để hệ thống giáo dục nghề nghiệp đa dạng, linh hoạt theo yêu cầu của người học và nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động. Tăng cường tổ chức có hiệu quả các phiên giao dịch việc làm nhất là giao dịch việc làm trực tuyến. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, xuất khẩu lao động có uy tín, có đơn hàng tốt được tuyển dụng lao động tại địa phương. Đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, nhất là trình độ trung cấp, cao đẳng gắn với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động...