Từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, mới nhất là giữa tháng 6, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất cấp vốn giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm. Lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3,5% xuống 3%... Với động thái giảm trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn lẫn cho vay từ 0,1 – 0,5%. Trên địa bàn Bình Thuận, phân khúc giảm lãi suất mạnh nhất là tiền gửi kỳ hạn 1 - 6 tháng trở xuống. Còn với khoản cho vay các ngân hàng đều giảm lãi suất đều ở khoản vay, một số ngân hàng giảm mạnh ở khoản vay trung – dài hạn. Ngoài các khoản vay mới giảm lãi suất, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho khách hàng có dư nợ.
Các ngân hàng đang giảm lãi suất cho vay. Ảnh: Đ. Hòa
Trong số các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay, Agribank là ngân hàng có nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ khá lớn với khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp. Với tinh thần đồng hành, chia sẻ. Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, góp phần khôi phục nền kinh tế và tăng trưởng. Theo đó, khách hàng được giảm 0,5% lãi suất khi còn dư nợ cho vay trung – dài hạn bằng VNĐ. Chương trình giảm 3% lãi suất cho khách hàng kinh doanh bất động sản với khách hàng có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 30/10/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh các chương trình hỗ trợ cho khách hàng, Agribank còn có chương trình tín dụng hỗ trợ 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD dành cho khách hàng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và xuất khẩu với mức lãi suất cho vay VNĐ ưu đãi chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay USD chỉ từ 3%/năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận, thời gian qua các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn để tạo nguồn cho vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến 30/6, vốn huy động toàn tỉnh đạt 54.852 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2022 và tăng 14,29% so với cùng kỳ năm trước. Song song với huy động vốn, các TCTD tiếp tục mở rộng cho vay đi đôi với an toàn và hiệu quả, gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương, địa phương. Đến đầu tháng 7, tổng dư nợ đạt là 82.266 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2022, cùng kỳ năm trước giảm 0,17%. Trong đó, dư nợ cho vay bằng VND đạt 80.617,2 tỷ đồng, chiếm 98,4% tổng dư nợ.
Giảm lãi suất cho vay lẫn huy động vốn đang tạo nên thị trường bình ổn trong mảng tài chính, giúp doanh nghiệp, khách hàng vay vốn sản xuất giảm bớt chi phí, tăng điều kiện để phục hồi sản xuất kinh doanh...