Theo dõi trên

Làm gì trước vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em?

11/05/2017, 08:22

BT- Trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trong những năm gần đây. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, mỗi năm trung bình cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, trong đó có hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục.

Như vậy cứ 7 giờ trôi qua lại có  một trẻ bị xâm hại tình dục. Nhiều nơi nạn nhân thậm chí bị giết chết để bịt đầu mối hoặc bị đe dọa để không dám tố cáo. Riêng tỉnh ta, thời gian qua tình trạng bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em cũng có xu hướng gia tăng; chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017 đã phát hiện 3 vụ xâm hại tình dục trẻ em tại Hàm Tân và Hàm Thuận Bắc. Đối tượng xâm hại tình dục đều là người hàng xóm và có trẻ mới 3 tuổi bị xâm hại, kẻ xâm hại đã bất chấp luật pháp, đạo lý, gây ra nhiều hoang mang, lo lắng và  bức xúc trong dư luận xã hội.

Trước tình hình bạo lực và xâm hại tình dục ngày càng gia tăng, vào giữa tháng 3/2017, mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam đã ra thông cáo bày tỏ sự bức xúc của mình trước hiện trạng xâm hại tình dục trẻ em gái, kêu gọi những hành động quyết liệt hơn nữa để giải quyết vấn nạn này. Thông cáo chỉ rõ: “Hiến pháp Việt Nam khẳng định quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được pháp luật bảo vệ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước về quyền trẻ em năm 1990. Việt Nam cũng là một nước có riêng bộ luật về trẻ em và nhiều quy định luật pháp chính sách tiến bộ về bảo vệ trẻ em. Việt Nam còn có một bộ máy khá toàn diện về chăm sóc và bảo vệ trẻ em từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, dù đã có bằng chứng rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu hình sự, lại được xử lý theo cách “hòa giải”. Nhiều cán bộ trong các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, thay vì thực hiện trách nhiệm của mình lại đổ lỗi cho phụ nữ và trẻ em là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận mới đây đã chỉ đạo cho các sở ngành có liên quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, các cơ quan truyền thông, UBND các huyện, thị, thành phố phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với cha mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người làm việc trực tiếp với trẻ em; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho trẻ em. Đồng thời với công tác tuyên truyền cần thiết lập đầu mối tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa xử lý vụ việc xâm hại trẻ em. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết, xử lý các vấn đề, vụ việc xâm hại trẻ em phức tạp được xã hội, cộng đồng dân cư quan tâm. Ưu tiên phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân… che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em. Khi có vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra phải kịp thời can thiệp, hỗ trợ trẻ em đảm bảo các chính sách và huy động cộng đồng tổ chức hỗ trợ giúp đỡ trẻ bị xâm hại.

Gia đình phải là nơi đầu tiên dạy trẻ hữu hiệu nhất tự bảo vệ mình, phát hiện sớm nhất khi trẻ bị xâm hại tình dục. Các bậc làm cha mẹ nên sớm đặc biệt quan tâm chăm sóc trẻ, luôn tạo sự gần gũi với trẻ, tìm hiểu, thông cảm tâm tư nguyện vọng trẻ và dạy trẻ những biện pháp phòng vệ. Xã hội cần chung tay chấm dứt bạo hành và xâm hại tình dục đối với trẻ em. Các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách chủ động và quyết liệt hơn nữa, bởi hành vi xâm hại đối với trẻ em là phạm tội “bẩn thỉu”  cần phải xử lý nghiêm để trẻ được sống, sinh hoạt, học tập trong bình yên và tình yêu thương của gia đình, nhà trường và xã hội.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì trước vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em?